Thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô lớn. Đây là cơ hội cho ngành gia vị Việt Nam phát triển các loại gia vị hữu cơ xuất khẩu.
Nhu cầu sử dụng gia vị hữu cơ và các loại gia vị có các chứng nhận bền vững đang tăng trên toàn cầu. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô khá lớn và đang tăng trưởng 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026. Dự báo đến 2026, quy mô thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu là gần 20 tỷ Euro.
Nếu như châu Á là khu vực thị trường nhập khẩu gia vị nói chung lớn nhất thế giới, thì Bắc Mỹ và EU lại là 2 thị trường nhập khẩu gia vị hữu cơ lớn nhất. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… là những thị trường nhập khẩu lớn về gia vị. Trong đó, các loại gia vị có chứng nhận tiêu chuẩn bền vững (hữu cơ, Fairtrade, RA) có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường này.
Hiện nay, thị phần các loại gia vị và hương liệu được sản xuất bền vững ở châu Âu rất thấp (dưới 1%) nhưng đang tăng lên. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh với mức tăng hơn 5,5%/năm trong 7 năm tới.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thập kỷ tiếp theo dự kiến sẽ được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ấn tượng của các loại gia vị và hương liệu hữu cơ, phù hợp với xu hướng thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh chóng.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững (trong đó có sản xuất hữu cơ), có nguồn gốc mới cũng như mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, trong thời gian qua, nhiều công ty trong ngành gia vị đang đẩy mạnh làm chứng nhận hữu cơ hoặc các chứng nhận bền vững cho các loại gia vị có tiềm năng xuất khẩu. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM) đã kết hợp cùng một số hợp tác xã và nhiều hộ nông dân xây dựng được 35,4ha hồ tiêu hữu cơ ở huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông); 90ha quế hữu cơ tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Ngoài ra, PTEXIM còn có vùng nguyên liệu hoa hồi hữu cơ 35,4ha tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Thạc sĩ Bùi Khánh Tùng, cán bộ cao cấp Dự án Biotrade SECO (CRED) cho biết, năm 2023, PTEXIM đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng nguyên liệu quế với diện tích 78ha. Bên cạnh đó, PTEXIM đã lựa chọn áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn UEBT/RA để tăng cường cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Nông dân sản xuất các loại gia vị có chứng nhận hữu cơ, hoặc áp dụng phương pháp hữu cơ và có sự liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu hiện đều đang có đầu ra ổn định.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông ở xã Phú Văn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, trang trại có 8ha hồ tiêu, đều đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Nhờ chứng nhận này, những năm qua, toàn bộ hạt tiêu của Thiên Nông đều được bao tiêu với giá tốt bởi Nespice Việt Nam – một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay. Hạt tiêu hữu cơ của Thiên Nông đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính.
Theo kết quả khảo sát hiện trạng hồ tiêu và cây gia vị năm 2024 do Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam thực hiện, quế đang là cây gia vị có diện tích hữu cơ lớn nhất hiện nay với 14.509ha ở tỉnh Yên Bái và 4.230ha ở tỉnh Lào Cai. Như vậy, diện tích quế hữu cơ hiện đã lên tới gần 19 nghìn ha, chiếm hơn 10% diện tích quế cả nước.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/phat-trien-gia-vi-huu-co-de-tham-gia-thi-truong-ty-do-d398868.html