Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Nghị quyết này, các địa phương trong cả nước đã chú trọng hơn tới việc phát triển du lịch xanh và bước đầu đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Du khách nước ngoài tham quan tại Quảng Nam. Ảnh Đoàn Hữu Trung – TTXVN
Một địa phương ở Việt Nam thành công trong việc phát triển du lịch xanh là tỉnh Quảng Nam. Từ nhiều năm nay, Quảng Nam đã trở thành hình mẫu của cách làm du lịch xanh khi người dân và doanh nghiệp nơi đây đều hướng tới phát triển bền vững, hạn chế lãng phí tài nguyên và chú trọng đến việc sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm ngay tại địa phương. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, Quảng Nam đang ngày càng phát triển mô hình du lịch xanh và chú trọng đến phát triển du lịch bền vững.
Nhờ vậy, vào tháng 4/2023, Quảng Nam đã lọt vào danh sách 4 điểm đến du lịch xanh hàng đầu của châu Á của chuyên trang du lịch nổi tiếng Wanderlust (Anh) cùng với Bhutan, Singapore và đảo Ataúro của Đông Timor. Theo đánh giá của Wanderlust, Quảng Nam là một trong những điểm đến đáng để ghé thăm ở châu Á nếu du khách đang tìm kiếm một kỳ nghỉ thân thiện với môi trường.
Wanderlust nhấn mạnh: “Bằng cách đặt các doanh nghiệp địa phương làm trung tâm của du lịch, Quảng Nam đang chứng minh sự bền vững bắt đầu từ chính vùng đất của mình. Tours Hội An Kayak đưa du khách chèo thuyền qua rừng dừa nước, trải nghiệm trên những chiếc thuyền đánh cá và thăm các ngôi làng nổi. Trong phố cổ, cửa hàng Refillables bán các nhu yếu phẩm du lịch thân thiện với môi trường, từ dầu gội đầu đến bàn chải đánh răng, trong khi nhà hàng không rác thải The Field sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ của địa phương để chế biến các món ăn dân dã, chẳng hạn như cà tím và canh đậu phụ. Du khách có thể kết thúc bằng việc nghỉ qua đêm giữa những tán cây hoa tại An Villa, nơi giảm thiểu nhu cầu sử dụng đồ nhựa”.
Từ thành công của Quảng Nam, nhiều tỉnh, thành khác đã chú trọng tới du lịch xanh. Không khó để nhận thấy những đổi mới trong chiến lược phát triển du lịch ở các địa phương này. Chẳng hạn, Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, tập trung vào chủ đề “du lịch xanh” như nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá. Trong khi đó, Bình Định đang chú trọng xây dựng một “môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách” và “khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường”.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Chẳng hạn, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã đề nghị du khách không mang túi ni lông, đồ dùng bằng nhựa ra đảo; tỉnh Quảng Nam phát động chiến dịch không sử dụng túi ni lông; Côn Đảo đã khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương” với nhiều hoạt động thiết thực.
Cùng với chính quyền các địa phương, nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng đang thay đổi nhận thức về du lịch xanh. Tại các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú đã chủ trương không sử dụng túi ni lông, vật dụng nhựa.
Hoạt động du lịch thân thiện với môi trường cũng là một xu hướng mới ở nhiều khu nghỉ dưỡng. InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Tại khu du lịch này, tất cả các nhân viên đều được huấn luyện liên tục để biết cách làm giảm các mối đe dọa đến đời sống quần thể động vật trên bán đảo. Nhờ vậy, khu nghỉ dưỡng này đã nhiều lần được World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất châu Á”, “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới”.
Trong khi đó, tại Tập đoàn Flamingo Group, các thiết kế của công ty này đều theo hướng thân thiện với thiên nhiên và môi trường, với hơn 60% cảnh quan tự nhiên được tôn trọng lồng ghép trong các công trình nhân tạo. Nội thất của Flamingo cũng theo hướng sử dụng vật liệu từ tre và gỗ thay cho các chất liệu bê tông, nhựa và kim loại.
Du lịch xanh đang trở thành xu thế. Ảnh minh họa: TTXVN
Như vậy, từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta cũng như xu hướng nhu cầu của du lịch thế giới, có thể thấy rằng việc phát triển du lịch xanh đã trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Việc triển khai thành công mô hình này sẽ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến du lịch thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế chung của du lịch thế giới./.
Mai Hương
Xem thêm: Phát triển du lịch xanh ở Việt Nam (Bài 2): Không chỉ phát triển du lịch đơn thuần