Cùng với các quốc gia khác trong khu vực, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chú trọng tới việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện định hướng này.
Một góc Khu du lịch sinh thái tại huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Tuấn Phi -TTXVN
Cụ thể, vào tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý có việc “phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương”.
Sau đó, vào tháng 1/2017, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW của về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó khẳng định “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Mặt khác, Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Trên cơ sở đó, vào tháng 10/2017, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu “các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.
Bên cạnh đó, trong chương trình hành động này, Chính phủ cũng khẳng định sẽ “tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch”.
Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, trong hai năm 2022 và 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều chọn chủ đề “xanh” cho Năm Du lịch Quốc gia, trong đó Năm Du lịch Quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh”, trong khi Năm Du lịch Quốc gia 2023 lại có chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.
Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hồi tháng 3 năm nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh với chủ đề hết sức ý nghĩa “Bình Thuận-Hội tụ xanh”, chúng ta khẳng định không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ông nói: “Chúng ta tiếp tục kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đó là thông điệp “Việt Nam-đất nước an toàn” và hình ảnh “Việt Nam-điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, “Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách”.
Về phần mình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ được cụ thể hóa vào các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành, bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”.
Sau đó, ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp điều khách hàng cần”; từ du lịch “một mùa”, sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện chính sách về visa, lệ phí, thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”; tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch miệt vườn, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực, chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại; phối hợp, thực hiện tốt chính sách visa, xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch. Bộ Công Thương phải lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… phát triển du lịch liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác công-tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chế độ cho người lao động và tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Giới chuyên gia nhận định với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, du lịch xanh sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, từ đó đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước./.
Mai Hương