Trong những năm gần đây, du lịch xanh không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành “công nghiệp không khói” ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
Điểm du lịch sinh thái tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN
Theo Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế (TIES), du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường; duy trì cuộc sống của người dân địa phương. Loại hình du lịch này dựa vào thiên nhiên, môi trường sống, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như xả thải, xả khói, tàn phá động thực vật, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng, vật dụng tái tạo, phát huy các di sản văn hóa thiên nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo kết quả thăm dò của TripAdvisor – một trong những website du lịch lớn nhất thế giới, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, có 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho đơn vị du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Điều này cho thấy du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bắt đầu chú trọng tới việc phát triển du lịch xanh, đặc biệt là sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Một trong những ví dụ điển hình là Maldives – một quốc đảo nhỏ nằm ở Ấn Độ Dương. Những năm gần đây, Maldives đã nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời để giảm lượng khí thải carbon. Hầu hết các resort trên đảo đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch. Các khu nghỉ dưỡng trên đảo phải đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải. Rác thải luôn được phân loại…
Tại Nam Mỹ, Costa Rica đã nỗ lực tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trên tổng cung điện năng lên tới gần 93%. Bên cạnh đó, nước này cũng đưa khoảng 30% lãnh thổ vào diện bảo tồn. Cho đến nay, Costa Rica đã phát triển 8 khu nghỉ dưỡng siêu xanh ở các khu vực sinh thái đa dạng trên khắp cả nước. Cuộc sống xanh được đan xen vào các hoạt động hàng ngày của du khách như lướt sóng, lặn, ngắm cảnh và đi bộ hòa mình với thiên nhiên…
Ở châu Phi, mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng Kenya vẫn chú trọng tới phát triển du lịch xanh với nhiều cảnh quan đẹp và đa dạng sinh học cao. Quốc gia Đông Phi này đã đưa vào triển khai một số chương trình phù hợp với văn hóa xã hội và môi trường thực tế của mình nhằm hỗ trợ và thể hiện những cam kết về phát triển du lịch bền vững như Chương trình đánh giá sinh thái; Giải thưởng chiến binh sinh thái; Hướng dẫn điểm đến xanh của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu.
Tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển du lịch xanh. Quốc đảo này tạo ra màu xanh bằng cách trồng cây xanh khắp nơi. Đáng chú ý, vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được nhiều “siêu cây”, với chiều cao từ 22-50 m, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện.
Không chỉ có Singapore, hai quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Thái Lan cũng có nhiều chính sách hướng tới phát triển du lịch xanh. Cụ thể, Indonesia đã xây dựng mô hình homestay xanh từ năm 2004, thông qua tiêu chuẩn khách sạn xanh từ năm 2007, tiêu chuẩn về sinh thái để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, phát triển vườn quốc gia và công viên vào năm 2011. Dự án đảo Bali xanh được Indonesia khởi xướng từ tháng 2/2010 nhằm xây dựng Bali thành điểm đến xanh, sach, đẹp, phúc lợi, tiện nghi và bền vững với 3 chương trình chính là kinh tế xanh, văn hóa xanh và Bali xanh-sạch. Năm 2016, Indonesia đã tiến hành xếp hạng 100 điểm đến xanh hàng đầu để khích lệ các điểm đến phát triển du lịch xanh.
Thái Lan đi đầu trong việc đưa ra các khái niệm mới về du lịch xanh. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/VNS
Trong khi đó, Thái Lan đã đi đầu trong việc đưa ra nhiều khái niệm mới liên quan tới du lịch xanh như: “Tâm Xanh” – kêu gọi khách du lịch nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; “Vận chuyển Xanh” – khuyến khích sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường phục vụ cho ngành du lịch; “Điểm đến Xanh” – quảng bá các điểm du lịch được quản lý theo nguyên tắc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường; “Cộng đồng Xanh” – hỗ trợ loại hình du lịch cộng đồng ở cả thành thị và nông thôn gắn với thúc đẩy bảo tồn môi trường, truyền thống và lối sống địa phương.
Như vậy, có thể thấy xu hướng phát triển du lịch xanh đang dần hình thành và bám rễ ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là cơ hội để xác định và điều chỉnh lại phương hướng và cách thức đầu tư vào du lịch nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững. UNWTO cũng lưu ý sự cần thiết phải thực hiện các dự án đầu tư xanh, với định hướng tốt hơn dành cho cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng, để du lịch có thể mang lại cơ hội cho con người, từ đó, nâng cao khả năng chống chịu, tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu và nâng cao tính bền vững cho hành tinh, mang lại sự thịnh vượng toàn diện./.
Mai Hương