Vùng Đông Nam Bộ với nhiều tiềm năng thế mạnh bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; có diện tích tự nhiên: 23.597,9 km2.
Phát triển du lịch Vùng phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm thống nhất với các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan trong khu vực quy hoạch. Phát triển du lịch Vùng theo hướng tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương và của Vùng.
Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ liên kết để phát triển du lịch bền vững (Ảnh: Internet)
Phát triển đồng thời các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; trong đó phát triển du lịch hội nghị, hội thảo là sản phẩm chủ đạo. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với mục tiêu phát triển du lịch Vùng trở thành vùng động lực hàng đầu để phát triển du lịch Việt Nam, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Về thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác khách du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách du lịch đến từ các vùng liền kề như: Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và khách đến từ thủ đô Hà Nội; trong đó chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, nghỉ cuối tuần và du lịch mua sắm.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch nghỉ dưỡng biển. Phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch tham quan di tích lịch sử – văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn; du lịch lễ hội và tâm linh; du lịch tàu biển. Trung tâm du lịch của Vùng là Thành phố Hồ Chí Minh; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: hội nghị, hội thảo; sinh thái biển; vui chơi giải trí, thể thao; nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch tàu biển…
Vũng Tàu đón khách đổ ra Bãi Sau, Bãi Trước tắm biển gia tăng (Ảnh: Internet)
Không gian phát triển du lịch biển đảo: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó chú trọng địa bàn đô thị du lịch Vũng Tàu, Xuyên Mộc và khu du lịch quốc gia Côn Đảo; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: nghỉ dưỡng và tắm biển; chữa bệnh; tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hội nghị, hội thảo và du lịch tàu biển…
Không gian du lịch đô thị – sinh thái tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: sinh thái hồ, miệt vườn; tham quan di tích lịch sử – văn hóa, làng nghề; lễ hội, tâm linh. Không gian phát triển du lịch di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái tại các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: lễ hội, tâm linh; tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; sinh thái và nghỉ dưỡng tại núi, vườn quốc gia, hồ; tham quan làng nghề…
Tập trung đầu tư phát triển 04 khu du lịch quốc gia, gồm: Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Long Hải – Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh) và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); 05 điểm du lịch quốc gia, gồm: Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Hồ Trị An – Mã Đà (Đồng Nai), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) và Tà Thiết (Bình Phước).
Tuyến du lịch phụ trợ: là các tuyến du lịch nối từ trung tâm du lịch Vùng, trung tâm du lịch của các địa phương, đô thị du lịch đến các điểm du lịch phụ cận trong Vùng, gồm: các tuyến từ các đô thị trung tâm đi các điểm du lịch phụ cận của địa phương trong Vùng; tuyến du lịch theo đường vành đai 5 Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên hệ thống tuyến nội vùng hình thành và khai thác các tuyến du lịch chuyên đề: du lịch cuối tuần nghỉ dưỡng biển Vũng Tàu; du lịch sinh thái biển và tham quan di tích lịch sử Côn Đảo; du lịch miệt vườn, làng nghề, du lịch sinh thái vùng đất ngập mặn Cần Giờ; du lịch đường sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai, Thị Vải và du lịch sinh thái hồ Đồng Nai, Trị An, Dầu Tiếng.
Phát triển các tuyến du lịch liên vùng theo tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đến các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc. Phát triển các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ và đường thủy kết nối trực tiếp với các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn như: cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tuyến đường sắt xuyên Á Dĩ An – Lộc Ninh – Cămpuchia. Các tuyến quốc lộ nối với các cửa khẩu quốc tế đường bộ như: quốc lộ 22 và 22B nối với cửa khẩu quốc tế đường bộ Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh); quốc lộ 13 và 14 nối với cửa khẩu quốc tế đường bộ Hoa Lư Bình Phước. Tuyến du lịch đường thủy qua các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về đầu tư phát triển như vốn đầu tư từ ngân sách kể cả vốn ODA, vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được bố trí căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo tiến độ từng giai đoạn. Các chương trình và dự án đầu tư: Ưu tiên đầu tư phát triển 04 khu du lịch quốc gia, 05 điểm du lịch quốc gia. Đầu tư 04 chương trình phát triển du lịch, gồm: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên và phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
Vương Thanh Tú