Phát triển du lịch Vùng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm thống nhất với các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực liên quan trong khu vực quy hoạch. Phát triển các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của Vùng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa của Vùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động hợp lý các nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường. Nhằm phát triển du lịch thích ứng với các diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, mực nước biển dâng và các biến động bất thường về thủy văn sông Mê kông. Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của Vùng đối với du lịch Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của Vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.
Với định hướng khai thác các tiềm năng và lợi thế của Vùng để hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: nghỉ dưỡng biển – đảo và vui chơi giải trí. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ, gồm: du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử – cách mạng, du lịch hội nghị – hội thảo – sự kiện (MICE).
Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á đối với các sản phẩm du lịch đặc thù: trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch chính của Vùng. Tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, Châu Úc đối với các sản phẩm du lịch chính của Vùng. Khuyến khích phát triển các thị trường du lịch theo chuyên đề; mở rộng khai thác thị trường khách du lịch đối với dòng sản phẩm du lịch bổ trợ.
Du khách trải nghiệm ở dòng Tháp. Ảnh: Quốc Trung
Tập trung phát triển mạnh thị trường du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách đến từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn, lễ hội, văn hóa – tâm linh, nghỉ dưỡng biển – đảo; đồng thời khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí.
Đối với không gian du lịch phía Tây: bao gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Không gian du lịch phía Đông: bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh; với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).
Trong đó có khu du lịch trong điểm như: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn – Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim – Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 07 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).
Tuyến du lịch chính: bao gồm các quốc lộ lớn kết nối trung tâm du lịch Vùng, trung tâm du lịch của các địa phương với các khu du lịch, điểm du lịch trong Vùng. Tuyến du lịch phụ trợ: là các tuyến du lịch nối từ trung tâm du lịch của các địa phương đến các điểm du lịch phụ cận của địa phương. Dựa trên hệ thống tuyến du lịch nội vùng hình thành và khai thác các tuyến du lịch chuyên đề: sinh thái rừng, biển, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Năm Căn, du khảo đồng quê…
Tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường không, kết nối đến các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ; vùng Tây Nguyên; duyên hải miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch Vùng bao gồm: vốn đầu tư từ ngân sách (kể cả vốn ODA), Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, vốn FDI, vốn huy động từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được bố trí căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo tiến độ từng giai đoạn để đầu tư hạ tầng khung trong các khu du lịch, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Vùng, đầu tư bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chương trình và dự án đầu tư: Ưu tiên đầu tư phát triển 05 khu du lịch quốc gia, 07 điểm du lịch quốc gia. Đầu tư 04 chương trình phát triển du lịch: Phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Vùng; bảo tồn, tôn tạo, phát triển tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng và phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
Trong đó có những giải pháp như nghiên cứu, hoàn thiện và đẩy mạnh áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực: đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao; phát triển thị trường – sản phẩm du lịch; xã hội hóa trong du lịch; cơ chế liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch. Tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, bao gồm: rà soát, điều chỉnh và lập mới quy hoạch du lịch các địa phương và các khu du lịch quốc gia phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn Vùng.
Tăng cường hiệu lực công tác quản lý theo quy hoạch, phát huy vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kiện toàn bộ máy quản lý phát triển du lịch tại các địa phương và thực hiện phân cấp quản lý triệt để, thống nhất. Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch, theo hướng: ưu tiên tập trung vốn để phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia của Vùng theo hướng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh huy động nguồn vốn ODA thông qua vay ưu đãi nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình đầu tư lớn như: đường cao tốc, cảng tàu du lịch, cảng hàng không quốc tế; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để thu hút tài trợ cho các chương trình phát triển dài hạn.
Cải thiện môi trường đầu tư, tạo lợi thế trong việc thu hút các nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp, nguồn lực tài chính trong nhân dân và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài)… để bảo đảm đủ nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển du lịch. Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên, thẩm định viên nghề du lịch; chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tăng cường công tác đào tạo tại chỗ, đào tạo ngắn hạn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch trước mắt cũng như lâu dài của từng địa phương và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thực hiện hợp tác liên kết toàn Vùng và giữa các địa phương trong cùng không gian hoặc các chương trình hợp tác song phương phù hợp với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực: phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến, kêu gọi đầu tư; du lịch cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là Thái Lan và Campuchia trong phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến du lịch (nhất là tuyến du lịch đường sông và đường bộ ven biển vịnh Thái Lan) và bảo vệ môi trường.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: Tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch Vùng theo chiến dịch trọng điểm, bằng nhiều hình thức, đa dạng cả trong và ngoài nước; sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch.
Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; lồng ghép, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng vào chương trình, kế hoạch và quy hoạch du lịch của từng địa phương trong Vùng. Về thị trường khách: Xây dựng chiến lược về thị trường khách du lịch; tăng cường liên kết, tập trung nguồn lực để khai thác và phát triển các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch quy mô cấp Vùng, cấp quốc gia với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch mạnh.
Về phát triển sản phẩm du lịch: Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù kết hợp với việc việc đa dạng hóa hệ thống sản phẩm; chú trọng việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch thông qua việc xây dựng, ban hành bộ quy tắc đánh giá chất lượng sản phẩm và thực hiện việc đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch.
Vương Thanh Tú