Với những giá trị nổi trội và cơ bản về tài nguyên du lịch văn hóa trên nền 1.000 năm lịch sử của Thủ đô văn hiến, Hà Nội hiện nay được các chuyên đánh giá là có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội có tài nguyên văn hóa nổi bật
Nhiều năm trở lại đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Một trong những yếu tố thu hút khách du lịch để Hà Nội trở thành địa điểm du lịch được yêu thích, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới chính là những giá trị văn hóa nổi bật của Thủ đô văn hiến.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tài nguyên văn hóa của Thủ đô được thể hiện nổi bật trên 04 khía cạnh: Di tích – di sản, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực và nghệ thuật dân gian.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Là Thành phố có bề dày ngàn năm văn hiến, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người giàu lòng mến khách, thanh lịch, văn minh; Hà Nội được đánh giá có tài nguyên văn hóa độc đáo nhất trong cả nước, đặc sắc trong khu vực và trên thế giới. Tài nguyên văn hóa của Thủ đô được thể hiện nổi bật trên 04 khía cạnh: Di tích – di sản, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực và nghệ thuật dân gian.
Về di tích – di sản, theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có trên 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều di tích có giá trị ngàn năm tuổi và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Những điểm đến di tích – di sản văn hóa chính, nổi bật của Thủ đô có thể kể đến như: Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu phố cổ – hồ Hoàn Kiếm, Thăng Long Tứ Trấn, Chùa Trấn Quốc, Chùa Một Cột, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương… Đây là những công trình, di sản mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của Thủ đô, có tính kiến trúc, thẩm mỹ độc đáo. Thông qua các câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết, di tích, di sản, người dân và du khách có thể hiểu sâu sắc về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Thành phố Hà Nội cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, có 47 nghề trên 52 nghề của toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có một số làng nghề, làng có nghề bị mai một, tính đến năm 2023, còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, tiêu biểu là làng nghề: gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh,…
Về văn hóa lễ hội, Hà Nội là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội của miền Bắc Việt Nam, cùng với vùng đất Tổ Phú Thọ và xứ Kinh Bắc. Cũng như các vùng đất khác, những lễ hội truyền thống ở khu vực Hà Nội được tổ chức nhiều nhất vào mùa xuân, có thể kể đến như: Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội Đền Phù Đổng, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Đống Đa…
Về văn hóa ẩm thực, Hà Nội là trung tâm văn hóa của khu vực phía Bắc từ nhiều thế kỷ, tại Hà Nội có thể tìm thấy và thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác, nhưng ẩm thực Hà thành cũng nó những nét riêng biệt, các món ăn đặc sắc, nổi bật làm nên thương hiệu của ẩm thực Thủ đô có thể kể đến như: Phở Hà Nội, Cốm Vòng, Chả cá Lã Vọng, Bánh cuốn Thanh Trì, Bún chả, Bún thang…
Về nghệ thuật dân gian, Thủ đô Hà Nội được coi là cái nôi của các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Múa rối nước, chèo, tuồng, ca trù, hát xẩm,… với nhiều cơ sở hoạt động văn hoá văn nghệ, rạp chiếu phim, sân khấu, nhà hát lớn, quy mô, có thương hiệu như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Nhà hát Chèo Việt Nam… Hà Nội thực sự là nơi nuôi dưỡng và phát triển các loại hình văn hoá truyền thống.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phụ trợ cho hoạt động du lịch văn hóa đang từng bước được xây dựng đồng bộ, chất lượng, chuyên nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với hơn 26.641 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch và 37% tổng số phòng trên địa bàn, chiếm 13% tổng số khách sạn xếp hạng của cả nước.
Hà Nội có 1.770 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 429 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 07 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài hiện đang hoạt động.
Các thiết chế văn hóa như các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, rạp xiếc…cũng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp trong thời gian qua tạo thành nhiều điểm đến thu hút khách du lịch. Hạ tầng xã hội phục vụ du lịch được quan tâm, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư; xây dựng. Thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, như xây dựng hệ thống wifi miễn phí tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Về chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước. Lao động trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp được đào tạo về du lịch chiếm tỷ trọng lớn: khoảng 68% số lao động đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; khoảng 35% số lao động có trình độ đại học và trên đại học.
Lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác
Với những giá trị nổi trội và cơ bản về tài nguyên du lịch văn hóa trên nền 1.000 năm lịch sử của Thủ đô văn hiến, Hà Nội hiện nay được các chuyên đánh giá là có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa.
Thủ đô Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/ha-noi-phat-trien-du-lich-van-hoa-chuyen-nghiep-hien-dai-mang-thuong-hieu-trong-khu-vuc-va-tren-the-gioi-2024120509175273.htm