Quảng Ngãi chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá, môi trường, thiên nhiên, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành ngành du lịch một cách bền vững.
Với vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Với nhiều lợi thế về núi, biển và hải đảo, hệ sinh thái phong phú. Bên cạnh, khai thác tiềm năng sẵn có thì địa phương cũng đã chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá, môi trường, thiên nhiên, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành ngành du lịch một cách bền vững.
Theo đó Quảng Ngãi phát triển du lịch theo đúng định hướng, nguyên tắc phát triển bền vững và gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo lợi ích cộng đồng, tạo nhiều việc làm và giải quyết tốt an sinh xã hội; lấy tăng trưởng xanh làm phương thức phát triển, tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Việc phát triển du lịch biển, đảo làm chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân trong tứ giác phát triển: Lý Sơn – Bình Sơn – Mỹ Khê – Sa Huỳnh; tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển, đảo để hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí có quy mô lớn. Lấy phát triển du lịch văn hóa, du lịch địa chất làm trọng tâm để tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, riêng có so với các địa phương trong vùng. Phát triển du lịch sinh thái làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hướng đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo và đón được 1.360.000 lượt khách, trong đó, 160.000 lượt khách quốc tế, 1.200.000 lượt khách nội địa. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2025: tổng lượt khách đạt khoảng 24,3%/năm; khách quốc tế đạt khoảng 77,6%/năm; khách nội địa đạt khoảng 21,7%/năm.
Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.780 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD); trong đó, thu từ khách quốc tế đạt hơn 800 tỷ đồng (tương đương khoảng 35 triệu USD); đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 1,7%. Với tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 5.200 buồng, trong đó có khoảng 1.500 buồng lưu trú đạt chuẩn 3-5 sao; công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 55%/năm. Ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày. Tạo việc làm cho khoảng 21.900 lao động, trong đó có khoảng 7.300 lao động trực tiếp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2025 đạt khoảng 20,3%/năm.
Đặc biệt là đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch
Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối và giao thông nội bộ tại Trung tâm du lịch thành phố Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía Đông Bắc (Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng) và Tây Nam (Ba Tơ, Đức Phổ), tạo thuận lợi tối đa về hạ tầng để đảm bảo phát triển, hình thành các khu, điểm du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, nhất là các dự án: Đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi đến sân bay Chu Lai; tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn IIa (thành phần 1, thành phần 2); đê chắn sóng cảng Bến Đình huyện Lý Sơn.
Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp một số tuyến đường tỉnh; các bến xe hoặc bãi đỗ xe công cộng tại các trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch; tàu vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại và du lịch tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn, đảo Lớn – đảo Bé, Vạn Tường – Lý Sơn; phối hợp cùng thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam mở tuyến vận tải khách đường thủy từ bờ ra đảo và ngược lại nối Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Sa Kỳ để phát triển sản phẩm mới du lịch đường biển cho vùng Duyên hải miền Trung. Nâng cấp các công trình văn hóa, công trình thể thao quan trọng, có khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao quy mô cấp tỉnh trở lên. Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hạng 1, hạng 2, hệ thống cửa hàng tiện lợi tại các địa phương có du lịch phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình tôn giáo, nhất là phát huy các giá trị văn hóa Sa Huỳnh để phát triển du lịch mang đặc trưng riêng của Quảng Ngãi. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống viễn thông, wifi tại các khu điểm du lịch của tỉnh. Đầu tư và nâng cao chất lượng các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải trong khu điểm du lịch và tại các cơ sở dịch vụ du lịch.
Dặc biệt thu hút đầu tư các tổ hợp đô thị, dịch vụ, du lịch , giải trí có quy mô lớn và chất lượng cao dọc tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh và đảo Lý Sơn nhằm tạo động lực cho du lịch tỉnh phát triển đột phá; đồng thời thu hút đầu tư vào khu du lịch Thạch Bích, khu du lịch Cà Đam và các khu điểm du lịch ở các huyện miền núi để tạo động lực phát triển du lịch khu vực phía Tây của tỉnh. Tập trung đầu tư, phát triển và khai thác có hiệu quả 02 khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận (Khu Du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Lý Sơn). Phấn đấu đến năm 2030, có 02 khu du lịch quốc gia (Khu Du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Lý Sơn), 4 khu du lịch cấp tỉnh (Khu du lịch Sa Huỳnh; Khu du lịch Hồ Núi Ngang, Khu du lịch sinh thái Thạch Bích, Khu du lịch Bình Châu) và 7 điểm du lịch cấp tỉnh (Điểm du lịch sinh thái Suối Chí, điểm du lịch thảo nguyên Bùi Hui, điểm du lịch Thác Trắng (Minh Long), điểm du lịch trải nghiệm văn hóa Hre (Ba Thành, Ba Tơ), điểm du lịch miệt vườn trái cây Bình Thành (Hành Nhân, Nghĩa Hành), điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, điểm du lịch cộng đồng cây Gạo (Đức Tân, Mộ Đức) được công nhận. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 4-5 sao, nhà hàng cao cấp; phát triển một số trung tâm tổ chức sự kiện, triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo, trung tâm thể thao, phát triển dịch vụ đêm, hình thành các tuyến phố đi bộ tại huyện Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn và thị xã Đức Phổ; tiếp tục đầu tư phát triển thành phố Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch; tổ chức các dịch vụ trải nghiệm, phát triển cảnh quan, dịch vụ trên sông, nhà hàng ẩm thực, các khu thương mại, dịch vụ văn hóa, thể thao, các điểm tham quan dọc hai bên bờ sông Trà Khúc.