Theo đó về mục tiêu chung Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.
Du khách tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Internet)
Cụ thể đến năm 2025 lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2025 đạt trên 2.380 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,0 ngày. Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch cấp quốc gia; có từ 01 khu du lịch cấp tỉnh và 07 điểm du lịch được công nhận nhằm tạo ra đa dạng tuyến, điểm du lịch góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn cho tỉnh Điện Biên.
Lễ hội Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang thương hiệu riêng có của tỉnh Điện Biên. Hoạt động du lịch tạo việc làm cho trên 15.000 lao động, trong đó có 5.000 lao động trực tiếp và có trên 55% nguồn lao động trực tiếp được đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn để có thêm các khách sạn cao cấp, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên 4.000 phòng, tăng 35% so với năm 2020. Đưa vào khai thác các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.
Khoảnh khắc thơ mộng trong khuôn viên hồ Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ (Ảnh: Internet)
Phấn đấu đến năm 2030 lượng khách du lịch năm 2030 đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 14%/năm; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,5 ngày, tăng 0,5 ngày so với giai đoạn 2021-2025. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP bình quân của tỉnh; có hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng; các khu, điểm du lịch được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại.
Từng bước xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia gắn với phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa. Có thêm từ 05 khu du lịch cấp tỉnh và 08 điểm du lịch được công nhận nhằm tạo ra đa dạng tuyến, điểm tham quan, điểm du lịch.
Hoạt động du lịch tạo tạo việc làm cho trên 30.000 lao động, trong đó có 10.000 lao động trực tiếp. Có trên 75% số lao động trực tiếp được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm năng và có thêm từ 02 tổ hợp khách sạn cao cấp đi vào hoạt động, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên trên 5.200 phòng, tăng 23% so với năm 2025, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.
Dân Hùng