Tham dự lễ khai mạc có Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía bắc; lãnh đạo các sở, ban ngành, hiệp hội du lịch tỉnh Thái Nguyên, doanh nghiệp du lịch và báo chí.
Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh xác định phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch, bao gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch Mice, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm… từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.
Với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”, đến với Thái Nguyên trong mùa du lịch 2024, du khách sẽ cảm nhận được Thái Nguyên là một điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng, chương trình khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đón đầu dịp kỳ nghỉ hè sắp tới, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người của Thái Nguyên.
Phó Cục trưởng tin tưởng rằng, đây là sự kiện mở ra cơ hội cho ngành du lịch Thái Nguyên sự tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực.
Nhân dịp này, để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến; phát huy sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp nhằm tạo nên sự đồng bộ cho phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy thế mạnh tiềm năng vốn có và tăng cường liên kết vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển ngành du lịch với các loại hình như: Du lịch về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và đặc biệt là du lịch làng nghề gắn với các vùng chè.
Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý điểm đến; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến, định vị thương hiệu du lịch Thái Nguyên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ngay sau nghi thức bấm nút khai mạc mùa du lịch 2024, các đại biểu đã trải nghiệm du thuyền trên hồ Núi Cốc, xem trình diễn dù lượn và chèo thuyền thể thao trên hồ Núi Cốc. Tham quan không gian trưng bày ảnh đẹp văn hóa du lịch Thái Nguyên và trình diễn văn hóa phi vật thể, không gian trưng bày các sản phẩm OCOP và quảng diễn ẩm thực.
Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức đoàn famtrip khảo sát điểm đến du lịch tỉnh, triển lãm ảnh tư liệu chủ đề “Từ ATK Thái Nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ”; giải chạy bán marathon mở rộng, giải cờ tướng bát kiệt, giải vô địch Roller Sport Cúp Quốc gia, giải thi đấu bóng chuyền hơi, bay trình diễn và trải nghiệm khinh khí cầu./.