Độc đáo vũ điệu dâng trời “Tung tung za zá”
Tự hào là điệu múa truyền thống thể hiện tinh thần vững chãi trước mọi sóng gió và khát vọng vươn cao, vươn xa của đồng bào Cơ Tu nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung; “Vũ điệu dâng trời” tung tung za zá đã trở nên quen thuộc, như một nét sinh hoạt thông lệ trong các dịp lễ lớn như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, dựng nhà gươl…
Theo quan niệm của người Cơ Tu, “Tung tung” là điệu múa của người đàn ông, trai tráng trong làng, nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ với mong ước cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc. Còn “za zá” là điệu múa của phụ nữ, người con gái, có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là biết ơn trời đất, đấng thần linh và tổ tiên.
Trong điệu múa tung tung za zá, khi tiếng hô của già làng cất lên, hòa điệu nhịp trống chiêng, các thanh niên Cơ Tu hú và hô lớn, bắt chước tiếng vọng thiên nhiên hoang dã, thể hiện niềm vui của cuộc sống tự do, phóng khoáng, bình yên giữa núi rừng bao la. Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng, làm sống dậy núi rừng bao la, hùng vĩ.
Điệu múa dâng trời được Đồng bào Cơ Tu biểu diễn tại Khu du lịch Núi Thần Tài thu hút du khách trong và ngoài nước. Được biết năm 2014, điệu múa tung tung za zá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chị Đinh Ngọc Diệp (35 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Đến với mỗi vùng miền, mỗi tỉnh thành của đất nước, mình lại khám phá ra nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo. Mình vô cùng thích trang phục và điệu múa tung tung za zá của đồng bào Cơ-Tu; sự kết hợp uyển chuyển, nhịp nhàng của phái nữ hòa nguyện cùng những động tác mạnh mẽ, hùng dũng, cường tráng của phái nam, tạo nên một màn trình diễn vô cùng lôi cuốn”.
Không chỉ có điệu múa tung tung za zá đưa vào phục vụ du khách, Khu du lịch Núi Thần Tài còn kết hợp với địa phương triển khai nhiều hơn nữa những lễ hội hấp dẫn, những loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc hay các làng nghề thủ công truyền thống độc đáo để làm phong phú thêm bức tranh văn hóa địa phương, đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ trên hành trình khám phá một Việt Nam đa sắc.
Nơi lưu giữ tinh hoa gốm Việt
Khám phá văn hóa là một hành trình rực rỡ, hành trình ấy chính là dấu chân của những trầm tích văn hóa lâu đời và được lưu giữ cho đến ngày nay, trong đó gốm chính là bảo tàng sống, một nghề thủ công đặc trưng của người Việt. Trải qua bao biến thiên của thời gian, Gốm Việt vẫn giữ chất riêng và mang trong mình bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Khu du lịch Núi Thần Tài, Gốm DHC như một viên ngọc sáng, mang trong mình sứ mệnh quảng bá, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa gốm sứ đến với du khách thập phương.
Toạ lạc tại Đền Thần Tài, phòng trưng bày và trải nghiệm Gốm DHC (DHC Ceramics) nằm nép mình giữa nơi vượng khí hội tụ – sinh thái giao hòa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn những tác phẩm gốm sứ đậm đà bản sản Việt mà còn được tìm hiểu và nghe thuyết minh về lịch sử của nghề gốm cổ truyền ngàn năm tuổi.
Được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân trẻ đầy tâm huyết, từng đường nét trên các sản phẩm Gốm DHC từ bình hoa, ấm chén đến các vật phẩm trang trí….đều được pha lẫn giữa lối thiết kế hiện đại kết hợp đường nét mang đậm văn hóa truyền thống để tạo nên những sản phẩm gốm khác biệt, nổi bật.
Bên cạnh đó, phòng trưng bày và trải nghiệm Gốm DHC cũng chính là không gian để du khách thử sức trở thành nghệ nhân sáng tạo ra những tác phẩm gốm cho riêng mình. Khi trải nghiệm làm gốm, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn một cách tỉ mỉ, từ công đoạn vuốt, nặn, nung đến vẽ trên gốm để tạo ra thành phẩm ưng ý.
Khi văn hóa kết hợp với du lịch
Du lịch văn hóa ngày càng phát triển và nhanh chóng trở thành xu hướng trong thời đại mới, việc kết hợp du lịch sinh thái – vui chơi, giải trí cùng các loại hình văn hóa truyền thống mang đến lợi ích kép, vừa đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, đồng thời tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Lê Thị Bích Hương – Giám đốc Truyền thông và Marketing Khu du lịch CVSKN Núi Thần Tài cho biết: “Văn hóa là nguồn tài nguyên quý báu của dân tộc, vì thế Khu du lịch Núi Thần Tài đã và đang tích cực kết hợp cùng địa phương các tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp với các di sản văn hóa truyền thống như: Điệu múa tung tung za zá, Bài chòi xứ quảng, nhảy sạp hay làm gốm thủ công…góp phần quảng bá, lan tỏa những nét đẹp văn hóa bản địa độc đáo đến với du khách”.
Việc kết hợp văn hóa truyền thống song hành cùng du lịch là điểm sáng, bước đi “bền vững” của các doanh nghiệp, trong đó phát triển sản phẩm du lịch dựa trên nền văn hóa sẵn có, sử dụng chất liệu quá khứ để tạo sức hút cho các điểm đến, nhằm quảng bá du lịch văn hóa đến với bạn bè quốc tế, đưa ngành du lịch Việt Nam lên tầm cao mới.
Nguồn: https://toquoc.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton-van-hoa-dia-phuong-2024100614322908.htm