(Dân trí) – Thừa nhận thực trạng bất cập trong phát triển du lịch đêm ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trách nhiệm chính trong việc này thuộc về địa phương, còn Bộ đã có Đề án.
Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là một trong ba thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/6.
Nhận nhiều lượt chất vấn về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng “chỉ có yêu văn hóa mới dành nhiều câu hỏi cho văn hóa”, nhưng hầu hết vấn đề đã được ông trả lời tại kỳ họp thứ 7 vừa qua và khoảng thời gian từ đó đến nay có lẽ “chưa đủ để tạo chuyển biến”.
Địa phương phải suy nghĩ về cách phát triển du lịch đêm
Đặt câu hỏi chất vấn về phát triển sản phẩm du lịch đêm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế mô hình này ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ 7, chủ nhật.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển sản phẩm du lịch đêm (Ảnh: Quốc hội).
Ông hỏi Bộ trưởng Văn hóa về chính sách để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Bộ Văn hóa đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đêm phù hợp.
Song ông cũng thừa nhận thực tế từng đề cập là nhiều địa phương làm sản phẩm du lịch đêm nhưng “không làm thì thiếu, làm lại thừa vì du khách không đến”.
Ông Hùng nhấn mạnh trách nhiệm chính là chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ Văn hóa.
“Bộ không thể làm sản phẩm du lịch cho thành phố nào được. Ví dụ, Bộ Văn hóa gợi ý TPHCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm, và trên cơ sở như vậy, TPHCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến”, ông Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).
Theo ông, mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, buộc địa phương phải suy nghĩ.
“Còn nếu hỏi Bộ trưởng về làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được”, theo Tư lệnh ngành Văn hóa.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nói ông còn lăn tăn về các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra vì chưa đề cập tới tổng thể.
Theo vị đại biểu, phải đưa ra được chính sách phát triển công nghiệp văn hóa mang tính tổng thể, giống như Bộ Công Thương đưa ra chính sách tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp tái tạo.
“Công nghiệp văn hóa không chỉ đơn thuần đóng góp cho tăng trưởng GDP mà còn góp phần xây dựng văn hóa. Rất mong Bộ trưởng cho biết Bộ Văn hóa đã bắt tay xây dựng chính sách này chưa? Nếu có rồi thì có thể công bố”, ông Huân nói.
“Một số môn nghệ thuật truyền thống có nguy cơ khép lại”
Trước đó, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về giải pháp nâng cao chất lượng, tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới.
Theo bà Ánh, việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng, nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm, các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong việc tự chủ.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Ảnh: Hồng Phong).
Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng cho biết đây không phải vấn đề bây giờ mới nhận ra mà cơ quan quản lý nhà nước đã thẳng thắn báo cáo trước Quốc hội. “Nếu không có giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu khép lại vì đầu vào không có, mà muốn đào tạo phải có đầu vào, có nhu cầu các cơ sở mới tuyển sinh được”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Hùng, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.
Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.
Liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng “du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.
“Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác giá trị văn hóa truyền thống, bản địa để thu hút du lịch. Cách làm này nhiều địa phương làm tốt”, ông Hùng nói và dẫn chứng một số điểm du lịch ở Hòa Bình, Điện Biên đã dựa trên văn hóa ẩm thực, văn hóa bản địa để thu hút khách.
Theo Bộ trưởng, phải kết hợp hài hòa giữa du lịch và văn hóa chứ không phải khai thác tối ưu lợi thế văn hóa, phát huy tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch.
Dantri.com.vn