Từ định hướng thúc đẩy quảng bá, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh tập trung đánh giá tiềm năng và lợi thế của vùng, Nam Giang đang nỗ lực hình thành các điểm đến hấp dẫn bằng sản phẩm đặc trưng, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Đây được xem là hướng đi phù hợp nhằm kết nối đưa du lịch huyện trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của huyện, góp phần tăng thu nhập và việc làm, từng bước nâng cao đời sống người dân miền núi.
Khai thác tiềm năng
Ông Trần Ngọc Hùng – Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết 08 của Huyện ủy và Đề án 03 của UBND huyện về phát triển du lịch Nam Giang, thời gian qua, bên cạnh khảo sát, đánh giá tiềm năng và lợi thế của vùng, địa phương bước đầu xây dựng nền tảng phát triển các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điểm đến lý tưởng cho du khách.
Theo ông Hùng, Nam Giang có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Ngoài đa dạng về thành phần các tộc người sinh sống, từ Cơ Tu, Ve, Tà Riềng cho đến Kinh, Tày, Nùng… với giá trị văn hóa truyền thống đầy màu sắc, địa phương có nhiều không gian cộng đồng độc đáo, cùng các điểm tham quan hấp dẫn, thú vị.
“Để đạt mục tiêu phát triển du lịch hiệu quả, chúng tôi định hướng tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tà Bhing và một số thôn, xã lân cận. Đồng thời phối hợp tìm hướng khai thác, trong đó phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc để xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm chân thực, mở hướng đưa không gian văn hóa vùng cao trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thương hiệu riêng biệt cho du lịch huyện Nam Giang” – ông Hùng chia sẻ.
Trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, Nam Giang hướng đến phát triển sản phẩm du lịch mang tính truyền thống, giúp tăng cường sự tương tác giữa du khách và người dân địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống độc đáo.
Không nằm ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, các hoạt động khai thác và phát triển du lịch còn được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, phát huy hiệu quả bảo tồn bản sắc văn hóa, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Dựa vào cộng đồng
Ngoài khu dân cư Za Ra, Aliêng (xã Tà Bhing), thôn văn hóa Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ) được chọn là điểm đến cho mục tiêu phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại Nam Giang. Với lợi thế đa thành phần dân tộc chung sống trên diện tích hơn 84ha, Đồng Râm được xem là “không gian mới” phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái.
Nơi này, ngoài yếu tố tự nhiên ấn tượng dưới chân núi đá, không gian ruộng lúa nước rộng hơn 22ha của đồng bào vùng cao đang trở thành điểm nhấn tham quan du lịch. Đặc biệt là màu xanh ngút ngàn của rừng cao su trải dọc chân núi đan xen hệ thống thác nước rất thích hợp cho hoạt động trải nghiệm, khám phá mây ngàn của du khách.
“Chưa kể, tại Đồng Râm còn có các CLB trống chiêng của người Cơ Tu, đàn tính – hát then của người Tày, cùng nhiều món ăn truyền thống độc đáo, rất hấp dẫn như zarắ, cơm lam, bánh sừng trâu, thịt ba chỉ áp chảo, xôi bảy màu được chế biến mang hương vị núi rừng. Ngoài ra, còn có các nghề thủ công đan lát; hoạt động thể thao dân gian đặc sắc như bắn ná, bắn nỏ, lày cỏ, ném còn… hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách khi đặt chân đến” – ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang – ông Châu Văn Ngọ nói, trong mục tiêu phát triển du lịch của địa phương, yếu tố con người, cụ thể là đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được xem là chủ thể quyết định để hình thành và phát triển du lịch độc đáo. Phát huy hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, nâng cao năng lực cộng đồng, hỗ trợ người dân duy trì, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống… được kỳ vọng là nền tảng giúp Nam Giang bước đầu hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính khám phá, trải nghiệm.
Chọn hướng đi phù hợp cũng là định hướng giúp Nam Giang khai mở điểm hẹn mới, trong đó có Đồng Râm. Câu chuyện du lịch của núi, xoay quanh hoạt động đạp xe quanh đồng ruộng, cắm trại trên đồi và thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng truyền thống; nghe nói lý – hát lý Cơ Tu, hòa cùng giai điệu đàn tính – hát then của đồng bào Tày – Nùng đầy hấp dẫn, lôi cuốn được xem như điểm nhìn mới mẻ trong phát triển du lịch vùng cao Nam Giang thời gian tới.