Tỉnh Tiền Giang quy hoạch đến năm 2030 có 30 cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích 1.476 ha.
Đứng trước nhu cầu, tình hình thực tế về đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn và thực hiện chủ chương chính sách, định hướng chiến lược phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Trong Quy hoạch tỉnh có Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh quy hoạch 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.476 ha.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 06 cụm công nghiệp đã được thành lập; trong đó, có 03 cụm công nghiệp được hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực (cụm công nghiệp Trung An, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, cụm công nghiệp An Thạnh); 03 cụm công nghiệp thành lập sau khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực (cụm công nghiệp Gia Thuận 1, cụm công nghiệp Gia Thuận 2 và cụm công nghiệp Thạnh Tân). Có 04 cụm công nghiệp đã hình thành và đang hoạt động với diện tích 101,03 ha với tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng đăng ký là 422 tỷ đồng; thu hút 69 dự án thứ cấp (trong đó có 06 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 150,3 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 998,15 tỷ đồng; diện tích thuê đất là 48,34 ha/76,64 ha, chiếm tỷ lệ 63,07% diện tích đất công nghiệp cho thuê; thu hút khoảng 11.200 lao động, trong đó có 40 lao động nước ngoài.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong công tác phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những mặt đạt được, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện như: (1) Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng, cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; chi phí đầu tư hạ tầng tăng cao nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn đăng ký đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp; (2) Hiện nay, Tiền Giang đang phải thực hiện song song 02 thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư và đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nên mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục trước khi mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng; (3) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng; (4) Tiền Giang hiện có 04 cụm công nghiệp hoạt động nhưng đã có 03 cụm công nghiệp hình thành trước ngày Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực; 03 cụm công nghiệp này hình thành và hoạt động nhưng chưa đảm bảo các quy định về môi trường (chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo theo yêu cầu); do đó chưa đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Gia Thuận 1
Để từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giao Sở Công Thương chủ trì xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (thay thế Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 11/7/2022) và chủ trì dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15/8/2024 của Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Việc xây dựng và trình ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế nhằm đã phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực cụm công nghiệp, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh; trình ban hành Chương trình hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thể hiện sự quyết tâm của Tỉnh giúp các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất vào trong cụm công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khu vực nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã đề ra, góp phần đạt được mục tiêu chung của Tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/phat-trien-cum-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-tien-giang.html