Sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia tầm trung trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong GDP lên 7%, Việt Nam cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những lĩnh vực có tiềm năng trở thành sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia.
Lễ khai mạc Ngày hội du lịch văn hoá tỉnh Sơn La năm 2023. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Quốc gia tầm trung về công nghiệp văn hóa
Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Từ năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan. Hơn thế nữa, sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành (giai đoạn 2018-2022, kiến trúc có giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; thiết kế tăng 6,36%; thời trang tăng 7,3%; điện ảnh tăng 7,94%…).
Hiện nay, Việt Nam có ba thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Trong đó, Hà Nội là thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc, và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của ba thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế, công nghiệp văn hóa còn góp phần quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời góp phần làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia. Kết quả là Việt Nam đã trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011-2015). Gần đây nhất, ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Còn không ít bất cập
Mặc dù đạt được không ít thành quả nhưng việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập.
Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Trước hết, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa, đồng thời còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước và từng địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp văn hóa vẫn còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng; chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút người tham gia.
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, đề xuất cần xây dựng quy hoạch công nghiệp văn hóa; có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp văn hóa; cơ chế hợp tác công tư trong xây dựng các công trình văn hóa tầm cỡ thế giới như nhà hát, trung tâm thể thao, công viên văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa…
Mặt khác, nước ta chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ quản lý, chưa được thực hiện toàn diện, đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế.
Hơn thế nữa, nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết đặc trưng văn hóa bản địa nhằm tạo sự độc đáo, riêng có để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp, người dân chưa thực sự quan tâm đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, gây cản trở doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gồm 12 lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, với xu thế hướng đến các sản phẩm, dịch vụ dựa trên việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng, có nhiều chất liệu để sáng tạo, tôn vinh văn hóa Việt. Đặc biệt, các lĩnh vực đó cần có dư địa lớn, tiềm năng trở thành sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng các ngành được lựa chọn cần đáp ứng các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hóa, hướng đến tôn vinh các yếu tố truyền thống; tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước; có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hóa, vị thế tầm chiến lược gắn với sự phát triển của thời đại.
Trên cơ sở các tiêu chí đó, giới chuyên gia nhận định các lĩnh vực mà Việt Nam có thể lựa chọn để tập trung đầu tư và hỗ trợ phát triển trong thời gian từ nay đến năm 2030 bao gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò chơi giải trí; thiết kế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền. Công nghiệp văn hóa giúp nâng cao giá trị các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa./.
Kim Khuyên