Hình ảnh của một điểm đến xanh Quảng Nam
Hội An, một trong hai thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên 6.354 ha với dân số trên 100 nghìn người. Khu phố cổ Hội An là di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999; thành phố cũng sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An-Cù Lao Chàm nhiều giá trị hệ sinh thái thiên nhiên.
Thành phố là nơi hội tụ hơn 50 nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận di sản phi vật thể quốc gia; nhiều loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như hát Bả trạo, hò khoan, sắc bùa, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật tuồng. Ngoài 2 khu trưng bày lịch sử – văn hóa và truyền thống cách mạng, Hội An còn thành lập mới 4 bảo tàng chuyên đề như Gốm sứ mậu dịch, Văn hóa sa huỳnh, Văn hóa dân gian và Y học cổ truyền.
Trong năm qua, Hội An cũng đã chú trọng kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, các làng nghề, văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và đương đại như thơ, ca nhạc, họa,… làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng ở nơi “hội thủy hội nhân” này. Trong đó, việc kết nối di sản phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An-Cù Lao Chàm và không gian văn hóa làng quê, làng nghề đã tạo thêm sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.
Hội An đã thực hiện có hiệu quả việc trao truyền nghệ thuật dân gian, đưa vào biểu diễn phục vụ du khách; mở các lớp dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền. Đây là những nét nổi bật đầu tư cho việc sáng tạo và xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch bản địa có “tố chất văn hóa”, vừa bảo tồn, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế du lịch, tiêu biểu là chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Lễ hội đèn lồng”, “Sắc màu Lụa”, “Gala âm nhạc Asian”,…
UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, bề dày lịch sử và nền tảng văn hóa đã góp phần làm cho Hội An có những giá trị độc đáo về văn hóa, làm cơ sở cho phát triển công nghiệp văn hóa. Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã chủ trương phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Qua đó góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói chung và của Hội An nói riêng, tạo ra được nhiều mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa, quảng bá hình ảnh của một phố cổ yên bình, trầm mặc, nên thơ; hình ảnh của một điểm đến xanh Quảng Nam với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, thiên nhiên thơ mộng trữ tình, con người xứ Quảng hiền hậu, mến khách.
Khơi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, tập trung quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là tại thành phố Hội An; tạo một số cơ chế, chính sách mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các dịch vụ vui chơi – giải trí bổ trợ cho ngành du lịch. Nhiều dự án ở Nam Hội An cũng như ở vùng ven thành phố cũng góp phần phát triển kinh tế đêm, tạo ra dịch vụ vui chơi – giải trí, thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa.
Ngoài show thực cảnh “Ký ức Hội An”, đảo Ký ức Hội An đã ra mắt nhiều minishow, tăng thêm trải nghiệm độc đáo về văn hóa và lịch sử cho du khách, mỗi minishow mang tới một câu chuyện riêng,… Nhờ vậy, du lịch Hội An đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao hạng, góp phần đưa Hội An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của cả nước, góp phần để ngành công nghiệp văn hóa ở Hội An đóng góp thu ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng lớn hằng năm,…
UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Hội An sẽ phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các giải pháp dù “chặng đường để thành phố xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa còn rất dài”, cần thêm nhiều mô hình sáng tạo mới mang tinh thần xã hội hóa; sự chung tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sĩ, người dân để tham gia vào công việc xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện có kết quả tốt các tiêu chí trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO.
Về phía địa phương, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bền vững, hướng tới mục tiêu chung là “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực; kết hợp định tính và định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hội An. Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những ngành mang tính đặc thù, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các cơ chế ưu đãi… Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo lập nguồn lực tài chính, con người; xây dựng và thực thi chính sách phát huy nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng, đứng trước những cơ hội và triển vọng mới, Hội An sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và đặc sắc, trở thành điểm đến trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, xứng đáng là một Đô thị cổ có nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của xứ Quảng và của Việt Nam./.
Nguồn: https://toquoc.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-de-xay-dung-hoi-an-tro-thanh-thanh-pho-sinh-thai-van-hoa-du-lich-20241003130057973.htm