Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái bán dẫn-vi mạch, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác để đón làn sóng đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh An Đăng – TTXVN
Phát biểu tại tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” ở Hà Nội hôm 7/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế một cửa và xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 với mục tiêu đào tạo 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.
Trước đó, từ năm 2019, Việt Nam đã đặt nền móng cho NIC khi thành lập các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, theo đó củng cố vị thế với tư cách là trung tâm công nghiệp bán dẫn quan trọng. Tháng 10/2023, NIC nằm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức ra mắt với khoản đầu tư 41,7 triệu USD. NIC và ba khu công nghệ cao ở các thành phố lớn sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
“Việt Nam đã sẵn sàng về hạ tầng và các điều kiện cần thiết để đón nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”.
Không chỉ có ở trung ương, chính quyền nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Ninh đã chủ động chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đối với ngành vi mạch bán dẫn, TP. Hồ Chí Minh có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hoá về đổi mới sáng tạo. Ngay từ đầu năm 2002, TP. Hồ Chí Minh đã xác định nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Vì thế, thành phố đã hợp tác với Synosys để xây dựng trung tâm đào tạo bán dẫn, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong khi đó, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tình Bắc Ninh, cho biết Bắc Ninh xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất ở miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Hiện nay, Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tiếp và làm việc với Chủ tịch SIA ngài John Neuffer. Ảnh Thanh Thương- TTXVN
Trước đó, tại buổi làm việc với ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 27/10, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết hiện nay, Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn và chip.
Bí thư Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn SIA cùng tỉnh xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao của miền Bắc tại Bắc Ninh, đặc biệt là sản xuất bán dẫn, chip, hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp thành viên tăng cường đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp, lấy phát triển công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ số làm nền tảng cho sự tăng trưởng.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cam kết tạo các điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến tìm hiểu và đầu tư vào Bắc Ninh và sẵn sàng đồng hành tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cùng phát triển.
Mặc dù có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng Bắc Ninh có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy đăng ký đầu tư cho hơn 2.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 24,672 tỷ USD, trong đó đáng chú ý có các dự án của Amkor và Micro Commercial Components. Đây là nền tảng ban đầu cho việc hình thành hệ sinh thái bán dẫn ở tỉnh này./.
Khánh Linh