Trong bối cảnh công nghệ toàn cầu phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang từng bước chuẩn bị cho một tương lai đầy hứa hẹn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức khi tham gia vào sân chơi này, nhất là khi công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và nhân lực trình độ cao.
Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn và nhân lực trình độ cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học Công nghệ hôm 9/10, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận rằng Việt Nam đang gặp phải không ít khó khăn do thiếu nhân lực chuyên ngành.
Theo thống kê từ các hiệp hội, Việt Nam mới có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), nhận định Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch. Vì thế, để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, trong vài năm tới, Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhiều kỹ sư, ít nhất là gấp 5 lần so với hiện nay.
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế chip. Tuy nhiên, mỗi kỹ sư cần đến 4 năm đào tạo và nếu chờ thế thệ kỹ sư mới ra trường, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Vì thế, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam có thể tận dụng đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin khoảng 300.000 người để phát triển thêm các năng lực, kỹ năng để có thể trở thành lực lượng lành nghề trong thiết kế chip.
Mặt khác, trong ngành công nghiệp chip bán dẫn hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia với công đoạn thiết kế chip, trong khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế chip, lắp rắp và kiểm định.
Với xuất phát điểm thấp như vậy, khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với rào cản tự nhiên từ những “người đi trước”. Do nhu cầu đối với chip bán dẫn đang ngày càng tăng trong bối cảnh mọi thứ đang trở nên “thông minh” hơn nhưng lại không có nhiều quốc gia có khả năng sản xuất các sản phẩm này nên đa số các nước nằm trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn đều không sẵn sàng từ bỏ vị thế của mình. Thậm chí, họ đang rót hàng chục tỷ USD không chỉ để duy trì vị thế mà còn phát triển hơn nữa ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Chẳng hạn, vào đầu tháng 4/2023, Hàn Quốc – một trong những nhà cung cấp chip bộ nhớ hàng đầu thế giới – đã công bố “Chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các công nghệ cốt lõi”, trong đó Seoul quyết định chọn chất bán dẫn, màn hình và pin thế hệ tiếp theo là ba công nghệ sẽ được ưu tiên phát triển và bắt đầu bằng hoạch định các chính sách.
Theo chiến lược này, Hàn Quốc sẽ đầu tư tổng cộng 160.000 tỷ won vào các quỹ R&D công và tư cho đến năm 2027, trong đó 156.000 tỷ won là chi phí R&D của các công ty và khoảng 4.500 tỷ won để hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp. Vì thế, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu này không hề dễ dàng.
Hơn thế nữa, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn khá tốn kém. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys – một công ty thiết kế chip điện tử của Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam, cảnh báo chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất có thể lên đến 50 triệu USD. Hơn thế nữa, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh về trợ cấp với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU), khi những bên này đã lần lượt công bố kế hoạch tài trợ 50 đến 150 tỷ USD cho ngành sản xuất chip.
Việt Nam có thể tận dụng đội ngũ kỹ sư công nghệ để đào tạo thiết kế chip. Ảnh Chu Hiệu – TTXVN
Ngoài ra, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng là một thách thức khác đối với Việt Nam. Theo đại diện Marvell Việt Nam, trong suốt 10 năm qua, công ty có một cam kết rất rõ trong 3-5 năm tới sẽ phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, bảo hộ trí tuệ sáng tạo là vô cùng quan trọng để công ty có thể đầu tư tại Việt Nam. Công ty mong đợi có thể hợp tác với các công ty thành viên, các bộ ngành ở đây để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách quyết liệt và táo bạo để giải quyết các vấn đề trên, đồng thời có những chính sách hấp dẫn để thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hình thành hệ sinh thái bán dẫn để đón đầu làn sóng đầu tư trong lĩnh vực này./.
Khánh Linh