Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ sẽ tăng cường độ phủ của chỉ dẫn địa lý đối với nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh), đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị.
Tập quán chăn nuôi, kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn.
Với đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực địa lý đã giúp nhung hươu Hương Sơn có thành phần dinh dưỡng vào axit amin cao hơn hẳn nhung hươu ở các vùng khác. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi, kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù và làm cho sản phẩm ngày càng có vị thế trên thị trường.
Đến nay, đàn hươu trên toàn huyện Hương Sơn đã đạt trên 30.000 con, sản lượng nhung trên 9 tấn/năm với giá trị sản xuất trên 100 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, người dân trên địa bàn và là động lực phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Logo nhung hươu Hương Sơn.
Năm 2019, nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) với khu vực trải dài trên địa bàn 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sự khẳng định về tính khác biệt, đặc thù của nhung hươu Hương Sơn với các sản phẩm tương tự của địa phương khác. Đồng thời, là sự ghi nhận chính thức từ phía Nhà nước về uy tín, danh tiếng đối với một trong những loại sản phẩm truyền thống, chủ lực, có giá trị cao của huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Đặc biệt, từ những giá trị về kinh tế và thực tiễn, đề xuất của địa phương, trên cơ sở phê duyệt của Bộ KH&CN, Chương trình phát triển TSTT của Chính phủ đã chọn nhung hươu Hương Sơn là một trong những sản phẩm để hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL. Trên cơ sở đó, cuối năm 2022, Cục SHTT đã giao Sở KH&CN Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ “Quản lý và phát triển CDĐL Hương Sơn cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền kỳ vọng sản phẩm nhung hươu sẽ có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc, xã Sơn Giang, Hương Sơn chia sẻ: “Là một trong những hộ tiên phong tham gia nhiệm vụ, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm nhung hươu sẽ có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới. Hy vọng các đơn vị có giải pháp giúp người dân duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng, tăng doanh số và lợi nhuận. Đồng thời, đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, hướng tới xuất khẩu và đặc biệt là chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.”
Để phát triển CDĐL, theo ông Ngô Việt Thắng – Giám đốc Trung tâm thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT), người dân và chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng sản xuất theo đúng điều kiện, quy trình khoa học. Từ đó, việc phát triển CDĐL sẽ có tác động và gia tăng giá trị sản phẩm rất lớn. Đối với người tiêu dùng, họ sẽ có thông tin và được chỉ dẫn bởi các dấu hiệu về khu vực địa lý gắn trên sản phẩm; yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực từ khu vực địa lý với chất lượng được kiểm soát và tránh các rủi ro từ việc sử dụng hàng hoá giả mạo, kém chất lượng.
Lãnh đạo Cục SHTT và Sở KH&CN khảo sát thực tế, bàn giải pháp nâng cao giá trị hươu Hương Sơn.
Hiện tại, Sở KH&CN đang tập trung xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm nhung hươu; thiết lập mô hình quản lý, sử dụng và phát triển nhung hươu theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được vận hành trên thực tế; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm được bảo hộ CDĐL qua các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội…
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Huy Trọng (Chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, hoạt động này mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội như: cung cấp tới người tiêu dùng những thông tin nhấn mạnh về tính độc đáo, chất lượng của sản phẩm; thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tăng cường độ phủ của CDĐL đối với sản phẩm nhung hươu và các mặt hàng được chế biến từ nhung hươu mang CDĐL; đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng từ đó làm tăng giá trị sản phẩm và gián tiếp tiêu thụ các sản phẩm chủ lực/đặc sản khác của địa phương. Góp phần thay đổi tư duy của người dân một cách tích cực với các kênh phân phối, thương mại hóa sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay.
Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 nhằm mục tiêu chung là đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có mục tiêu cụ thể quan trọng là: “Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ”. Có thể thấy việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; quản lý và phát triển TSTT sau khi được bảo hộ là một trong những mục tiêu quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. |
Dương Chiến