Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, các địa phương đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nhất là phát triển các loại cây trồng lợi thế gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Diện tích trồng cây xoài keo trên vùng đồi xã Xuân Hòa (Như Xuân).
Là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả, huyện Như Xuân đã triển khai thực hiện Quyết định số 198/QĐ-UBND, ngày 12-1-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, toàn huyện đã trồng 1.323 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 1.000 ha đã cho thu hoạch, diện tích trồng tập trung từ 1 ha trở lên đạt 388,4 ha, chủ yếu là cam, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài keo, ổi, thanh long… Tại trang trại trồng cây ăn quả của chị Đào Thị Hằng, xã Xuân Hòa, diện tích đồi rộng lớn đã được gia đình chuyển đổi sang trồng bưởi và xoài keo. Đưa chúng tôi lên thăm đồi, chị Hằng cho biết: “Trồng cây ăn quả tuy thời gian thu hoạch lâu nhưng giá trị kinh tế lại cao so với các loại cây trồng khác, không tốn nhiều công chăm sóc, hầu hết các loại cây ăn quả lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của các huyện miền núi và đang phát triển tốt”. Cũng theo chị, bên cạnh trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống, thời gian qua, chị đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Hòa hướng dẫn, khuyến khích áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, diện tích trồng bưởi của gia đình chị đã bắt đầu cho thu hoạch, đối với diện tích trồng xoài keo đã được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Xác định cây ăn quả là một trong những loại cây trồng phù hợp, có nhiều tiềm năng để phát triển trên địa bàn huyện Như Xuân, thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nguời dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện còn hướng dẫn người dân áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất với mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích cây ăn quả đạt 2.560 ha, diện tích cây ăn quả tập trung đạt gần 1.700 ha, giá trị kinh tế đạt 220 triệu đồng/ha/năm và có ít nhất 80% sản phẩm cây ăn quả bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có 30% diện tích được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, những đồi sắn, keo… kém hiệu quả kinh tế đã được thay bằng những vườn cây ăn quả tươi tốt, trĩu quả, giúp người dân có cuộc sống khấm khá, ổn định hơn. Bên cạnh đó, còn một số loại cây trồng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như ngô, chè…
Các huyện Thạch Thành, Như Thanh, Ngọc Lặc… cũng đang ưu tiên mở rộng diện tích, hình thành diện tích trồng tập trung, tích cực áp dụng khoa học – kỹ thuật để chọn giống, triển khai các quy trình canh tác tiên tiến, khôi phục giống cây ăn quả bản địa như quýt vòi, quýt hôi, cam Vân Du, bưởi Luận Văn…, du nhập, phát triển các giống cây ăn quả như xoài keo, bưởi Diễn…
Bên cạnh cây ăn quả, một số loại cây trồng hiện đang được nhân rộng diện tích trồng như các cây dược liệu (cà gai leo, sài đất, xạ đen, hoàn ngọc…) tại các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành… Tre, luồng phục vụ xuất khẩu và chế biến với các sản phẩm chủ yếu là đồ mỹ nghệ, đũa, tăm, nan, than hoạt tính, bột giấy, vàng mã… cũng được duy trì ở các huyện miền núi.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết diện tích các loại cây trồng thế mạnh ở khu vực miền núi còn nhỏ, lẻ, diện tích trồng tập trung, quy mô lớn còn hạn chế, chưa xây dựng cây trồng mang tính đặc thù, có thương hiệu của địa phương. Bên cạnh đó, người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất do tập quán sản xuất còn lạc hậu, truyền thống. Mặt khác, sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu là bán tươi cho thương lái, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Để phát triển các loại cây trồng lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, các địa phương cần chú trọng rà soát, xác định các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất của người dân để nhân rộng diện tích. Tập trung chọn tạo và phát triển các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, cải tiến các cây trồng như lúa, ngô, mía, cây thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện công tác tập huấn, chuyển giao, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc