Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông

Việt NamViệt Nam08/04/2025


Với mạng lưới sông ngòi dày đặc và hệ sinh thái thủy sinh phong phú, Nam Định sở hữu tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông. Những năm gần đây, mô hình này đang dần khẳng định vị thế quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, thân thiện với môi trường.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Xuân Châu (Xuân Trường).
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Xuân Châu (Xuân Trường).

Nằm ven sông Đáy, xã Yên Phúc (Ý Yên) có lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Qua nhiều lần tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được cơ quan chức năng cấp phép, năm 2014, anh Vũ Đình Tuấn đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng làm lồng, bè nuôi các loại cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm và cá chép. Nuôi cá trên sông hiệu quả phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước nên trong quá trình nuôi, anh Tuấn luôn chú trọng quan trắc độ sâu, phân tích nguồn nước, đầu tư máy sục ô-xy để đảm bảo môi trường nuôi tốt nhất cho cá, không để cá bị nhiễm bệnh từ môi trường. Những khi thời tiết thay đổi, mưa nhiều hoặc nước mặn xâm nhập, chất lượng nước không đảm bảo, anh cho cá nhịn ăn, kiểm tra thường xuyên đến khi chất lượng nước ổn định mới cho cá ăn từ từ trở lại kết hợp bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho cá; định kỳ thực hiện tẩy giun, sán cho cá. Do vậy, đàn cá của anh hiếm khi bị bệnh, luôn sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch năng suất cao. Hiện anh Tuấn có 18 lồng nuôi cá trên sông với tổng diện tích gần 2.000m2, mỗi năm xuất bán trong tỉnh và thị trường các tỉnh, thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam khoảng 100 tấn cá, cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Từ thành công của anh Tuấn, một số hộ dân trong xã đã học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, xã đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ thành lập Tổ hợp tác nuôi thủy sản xã Yên Phúc nhằm hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn cá, giúp nhau thu hoạch, phân phối nguồn cá thương phẩm cho thị trường với giá ổn định. Một số hộ thu nhập từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm từ nuôi cá lồng.

Không chỉ ở Ý Yên, những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh có sông lớn chảy qua địa bàn, các hộ dân sống ven sông đã nắm bắt và tận dụng lợi thế mặt nước để phát triển nuôi cá lồng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện toàn tỉnh có trên 20 hộ với khoảng 260 lồng nuôi các loại. Các đối tượng nuôi đều là nhóm đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá lăng, chép giòn, trắm cỏ… Cụ thể, ở xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) các hộ nuôi cá lồng tập trung vào đối tượng cá Koi - một loại cá cảnh có giá trị rất cao đang được ưa chuộng. Tại xã Xuân Châu (Xuân Trường), các hộ nuôi cá chép giòn, cá lăng, cá diêu hồng… Nghề nuôi cá lồng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, hàng năm cung cấp cho thị trường 300-400 tấn cá thương phẩm. Qua đó không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần làm phong phú thêm cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi để phát triển đồng thời cũng có những yếu tố bất lợi từ chính đặc thù này. Đầu tiên là sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, đặc biệt là chất lượng nước trong các con sông trong bối cảnh có nhiều nguồn nước thải (nước sinh hoạt, sản xuất...) chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông từ nhiều địa phương nơi con sông chảy qua. Nước sông có thể bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân hoặc bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi. Vào mùa mưa bão, những thay đổi đột ngột về nhiệt độ, môi trường nước cũng có thể gây hại cho cá, làm giảm chất lượng và sản lượng thu hoạch. Ngoài ra mưa lũ còn gây hại cho lồng bè, cơ sở vật chất khu nuôi. 

Ông Vũ Hoàng Giang, xã Mỹ Tân, một trong những hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng cho gia đình ông gặt hái nhiều quả ngọt nhưng cũng không ít "trái đắng". Năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3 cộng với thời tiết trong năm cũng không thuận lợi, có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến sản lượng cá hao hụt, cung ứng ra thị trường chỉ đạt khoảng 15 tấn so với 25 tấn mọi năm. May mà cuối năm giá cá cao nhưng thiệt hại về sản lượng khiến ông không thể hài lòng với kết quả vụ cá năm qua mang lại. Thêm một vấn đề nữa là sử dụng trực tiếp nguồn nước sông nên người nuôi khó kiểm soát, xử lý mầm bệnh trong môi trường nuôi, đây cũng là một thách thức lớn trong nghề. Các bệnh truyền nhiễm từ môi trường nước hoặc do thức ăn không đảm bảo có thể gây hại nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng đàn cá.

Nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngành kinh tế thủy sản, hỗ trợ người nuôi, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư (Sở Nông nghiệp và Môi trường) chú trọng làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường thủy sản. Chi cục phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện thu mẫu quan trắc môi trường với tần suất 2 lần/tháng tại các vùng nuôi nhằm kịp thời phát hiện và khuyến cáo tới người sản xuất ở các vùng nuôi, các địa phương những yếu tố môi trường bất lợi, ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi. Chi cục phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ nuôi cá lồng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa bão, quan sát môi trường nước để có biện pháp phòng bệnh cho cá. Hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng chăm sóc, nuôi thả với mật độ vừa phải, tránh sử dụng thức ăn tươi sống, định kỳ phòng bệnh giúp cá sinh trưởng tốt, tranh thủ thu hoạch rải khi cá đủ kích cỡ để hạn chế tối đa rủi ro và tăng vụ nuôi mỗi năm. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên tuyên truyền các quy định có liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là quy định về việc đăng ký nuôi thủy sản lồng bè. Từ ngày 19/5/2024, việc xin cấp giấy xác nhận nuôi lồng bè được tháo gỡ một phần khó khăn vướng mắc khi Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó, đã bỏ một số thủ tục thành phần như giấy chứng nhận, hợp đồng cho thuê đất, mặt nước trong thành phần hồ sơ đăng ký nuôi cá lồng bè…

Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Nam Định đã và đang phát triển mạnh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi này cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường hiệu quả, kết hợp với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và nỗ lực phối hợp của các hộ nuôi sẽ giúp nghề nuôi cá lồng trên sông ở tỉnh ta khắc phục được các khó khăn để phát triển hiệu quả.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/phat-trien-ben-vungnghe-nuoi-ca-long-tren-song-71d78a6/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cô gái Điện Biên khổ luyện nhảy dù 4 tháng để lấy 3 giây đáng nhớ 'trên trời'
Ký ức ngày thống nhất
10 trực thăng kéo cờ tập luyện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tự hào vết thương chiến tranh sau 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm