Nhiều công trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ đã từng bước giải quyết những vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Qua hơn 3 năm triển khai, từ nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những đổi thay rõ rệt, đời sống của người dân tại những khu vực khó khăn đã từng bước được cải thiện. Thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, trong năm 2023, huyện Tam Đường được giao 312 triệu đồng để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ 276 triệu đồng giúp 92 hộ dân đồng bào DTTS tại xã Nùng Nàng và 12 hộ tại xã Bình Lư mua téc đựng nước sạch.
Trực tiếp được thụ hưởng sự hỗ trợ, ông Vàng A Hạ – bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng chia sẻ, trước đây, người dân trong bản thường sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Hàng ngày, bà con phải ra suối để cõng nước về dùng. Được hỗ trợ tiền mua téc dự trữ nước sinh hoạt, chúng tôi rất phấn khởi. Có nước sạch để sử dụng, gia đình cũng đảm bảo sức khỏe, không phải vất vả vì thiếu nước khi vào mùa khô hạn.
Tương tự, tại huyện Mường Tè, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình MTQG 1719, địa phương đã tập trung đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch. Ông Đao Văn Khánh- Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, những năm gần đây, huyện đã chủ động xây dựng hệ thống nước sinh hoạt lắp ống dẫn nước về các xã, bản cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 114 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới địa bàn các xã, bản. Các công trình cấp nước sinh hoạt đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 95,9%.
Đến nay, Chương trình MTQG 1719 đã và đang đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa các nội dung đầu tư, hỗ trợ liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Dự án 9)… đã mang lại những hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào các DTTS.
Những nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG 1719 đã tạo xung lực lớn để Lai Châu thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững. Kết quả sơ kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (tháng 9/2024) cho thấy, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, mục tiêu cả giai đoạn như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,09%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 5,49%/năm.
Hiện, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98,3%; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%; 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở…
Nguồn: https://daidoanket.vn/phat-trien-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10291225.html