Nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển. Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi biển Việt Nam cần theo hướng giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nuôi biển. |
Nuôi biển phải gắn với bảo vệ môi trường
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250 km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000 ha bãi triều, trên 20.000 ha eo, vịnh…Đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292 ha; trong đó: nuôi nội địa đạt 32.092 ha, nuôi biển đạt 10.200 ha.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, mục tiêu cao nhất của địa phương là phát triển bền vững ngành nuôi biển, thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển, tận dụng tài nguyên phong phú mà tỉnh sở hữu. Quảng Ninh đã xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng; sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn hoạt động nuôi biển cao hơn. Quảng Ninh đã quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến từng thôn. “Tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Từ đó, những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng”, ông Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) cho biết, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. “Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển”.
Chưa có địa phương nào giao được vùng biển
Việt Nam có ba mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, phát triển nuôi biển tại nước ta còn gặp nhiều hạn chế do thiếu cơ chế chính sách, khoa học công nghệ; những vấn đề như liên kết sản xuất, nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững chưa được giải quyết thấu đáo.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn chính ldoanh nghiệp nuôi biển hiện đối mặt là đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. “Đây là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm”, ông Dũng chia sẻ.
Cùng với đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển còn thiếu khiến không có đơn vị nào đăng ký trại nuôi biển. Mặt khác, rủi ro cao trong nuôi biển cao nhưng hiện chưa có bảo hiểm cho lĩnh vực này nên nhiều doanh nghiệp do dự, chưa dấn thân cho ngành nuôi biển bền vững. Từ thực tế này cho thấy, việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.
Theo ông Trần Đình Luân, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nuôi biển là đưa quy mô sản xuất con giống vào công nghiệp. Do đó, cần kết hợp khối viện, trường với sự tham gia của doanh nghiệp để nghiên cứu, triển khai con giống ở quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác để nghiên cứu về nguyên liệu thân thiện với môi trường, gắn với phát thải thấp, đảm bảo hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất thải ra mô trường cũng như lồng ghép các đối tượng trong vòng tuần hoàn, chu kỳ dinh dưỡng…. Ông Luân cho rằng, không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, tại Na Uy, doanh nghiệp phải đấu thầu khu vực nuôi biển và thậm chí phải đưa biển vào thế chấp tài chính để nuôi biển. Như vậy, có lẽ Việt Nam cần xem xét độ phù hợp của tiếp cận này, qua đó tạo môi trường phát triển cho ngành nuôi biển.
Đối với vấn đề về chính sách bảo hiểm cho ngành nuôi biển, ông Trần Đình Luân cho biết, hiện nước ta đã có thí điểm bảo hiểm tôm và cá tra. Về lâu dài, đây sẽ là nền tảng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp nuôi biển đăng ký các gói bảo hiểm phù hợp.