Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh xâm nhiễm, tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng…, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục vươn lên, duy trì đà tăng trưởng khá, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế nông nghiệp phát triển hiệu quả đã tạo nguồn lực để các địa phương xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (Trong ảnh: Nông thôn mới xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu). |
Những năm gần đây, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn, sản phẩm nông nghiệp ngày càng gắn với nhu cầu thị trường và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát lịch mùa vụ, điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp diễn biến thời tiết và thị trường tiêu thụ, tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 2,58%, cao hơn 0,8% so với kế hoạch; có 5/6 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp có sự thay đổi rõ nét, tỷ trọng sản phẩm gạo chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, cá, rau quả các loại tăng rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong sản xuất lúa, các địa phương đã tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, ít nhiễm sâu bệnh và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo khép kín gắn với xây dựng thương hiệu như: Gạo sạch Toản Xuân, gạo tám xoan Hải Hậu; tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 85%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%, góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên mỗi ha đất canh tác. Diện tích sản xuất lúa, rau màu, cây dược liệu không ngừng tăng quy mô, sản lượng; chăn nuôi đã chuyển biến rõ nét với việc tổ chức chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp được mở rộng, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đã bước đầu hình thành và đang được phổ biến nhân rộng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 193 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản; nghiên cứu ứng dụng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm, năng suất 18 tấn/ha, lãi hơn 600 triệu đồng/ha… Các mô hình được triển khai đúng thời vụ, kỹ thuật chăm sóc tốt nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% trở lên so với sản xuất đại trà; từng bước thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Để có được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; tích cực giảm tỷ lệ số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại liên kết theo chuỗi giá trị; nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và hình thành chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp từng bước được hình thành góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đàn gia cầm duy trì ổn định, sản lượng thịt hàng năm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các địa phương tập trung áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường trong nuôi thâm canh và nuôi công nghiệp các loại con nuôi thủy sản để tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện chương trình phát triển khai thác thủy hải sản, các cấp hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân cơ cấu các đội tàu theo hướng tăng dần loại tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, giảm dần tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ; tích cực đầu tư lắp đặt máy ra-đa, máy dò cá, định vị GPS, hải đồ điện tử… Với hệ thống thiết bị điện tử đó, đội tàu cá của tỉnh cơ bản được quản lý, giám sát chặt chẽ; các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá sản xuất trên biển đã được tổ chức bài bản, khoa học theo mô hình hợp tác phát triển các tổ, đội hợp tác nghề cá thu hút đông đảo ngư dân, chủ tàu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển và đảm bảo chủ quyền an ninh, quốc phòng biển đảo và an toàn cho ngư dân. Công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản vùng ven biển; nuôi thủy sản nội đồng được điều chỉnh cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững; hình thành các vùng nuôi tôm, ngao tập trung, an toàn dịch bệnh…
Nhằm tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Tập trung sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phục vụ chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì hợp lý tỷ lệ chăn nuôi nông hộ. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản; tập trung nâng cao chất lượng khai thác, tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ hợp tác, liên kết chuỗi, giảm khai thác ven bờ. Triển khai tốt các chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng xây dựng nông thôn, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Văn Đại