Từ ngày 6 đến ngày 12-8 tại Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND tỉnh Bình Định và Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993-2023), 10 năm hoạt động của ICISE (2013-2023).
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp) thành lập tại Pháp năm 1993 nhằm kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam. Năm 2012, Hội trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm đã thực hiện, đóng góp cho tỉnh Bình Định nói riêng và cho cộng đồng khoa học của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển khoa học cơ bản (KHCB) vì đây là nền tảng, tiền đề cho KH&CN của mỗi quốc gia. KHCB Việt Nam nói chung và ngành Vật lý Việt Nam nói riêng đã có nhiều bước phát triển trong 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia nhằm tài trợ cho các lĩnh vực KHCB từ nguồn ngân sách nhà nước. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã tài trợ hàng nghìn đề tài nghiên cứu cơ bản, giúp tăng số công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam. Từ năm 2017, UNESCO đã công nhận và bảo trợ Trung tâm Vật lý quốc tế thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là Trung tâm khoa học dạng 2, nằm trong mạng lưới các trung tâm khoa học quốc tế của UNESCO.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ. |
Hội nghị khoa học “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” có 31 phiên họp (toàn thể và chuyên đề chuyên sâu) về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao. Đây là diễn đàn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực chuyên ngành. Từ đó, tạo điều kiện và cơ hội hợp tác khoa học và phát triển cho các nhà khoa học trẻ trong cộng đồng khoa học cơ bản để trao đổi kiến thức và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Vật lý hạt và Thiên văn học.
Tính đến năm 2023, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 khóa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học), một giáo sư đoạt giải Shaw, một giáo sư đoạt giải Dirac, một giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và Cino Delduca (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Quang cảnh buổi lễ. |
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) với mục tiêu làm cầu nối khoa học Việt Nam với thế giới, thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam và nhà khoa học quốc tế về làm việc để phát huy nguồn lực chất xám của hàng nghìn nhà khoa học quốc tế về ICISE mỗi năm.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có buổi làm việc với các nhà khoa học để bàn về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai hiệu quả Chương trình phát triển Vật lý giai đoạn 2021 – 2025; phát triển một số nhóm nghiên cứu như nhóm Neutrino, nhóm Vật lý thiên văn và vũ trụ…
MAI HÀ