Mở cửa tự do từ ngày 22-28/9 đồng thời ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan phim Châu Âu – Việt Nam 2023 tập trung vào vấn đề phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cách bảo vệ và chung sống hòa bình với thiên nhiên…
Liên hoan phim do EUNIC (Hiệp hội các viện văn hóa và đại sứ quán các nước châu Âu) phối hợp với Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Có tổng cộng 19 tác phẩm được trình chiếu, trong đó có 7 phim quốc tế và 12 phim Việt Nam xoay quanh một chủ đề phát triển bền vững.
Liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 13.
Bộ phim “Đường về hoang dã” của đạo diễn Đặng Thị Linh, kể về hành trình 30 năm của loài gấu, từ khi bị săn bắt ở rừng, bị giam cầm và hành hạ tại các trại nuôi, đến khi được giải cứu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Qua đó, truyền tải tới người xem ý thức tôn trọng quyền sống của loài gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung, góp phần bảo vệ hệ sinh thái đang chịu nhiều tổn thương của Trái đất.
Bộ phim “Ô nhiễm trắng” của đạo diễn Dương Văn Huy nói về thực trạng rác thải ở Việt Nam. Phim phản ánh thói quen sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần của người dân, vô tình tạo ra hiểm họa đối với môi trường và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó là nỗ lực của chính phủ, các cấp chính quyền, doanh nghiệp với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia “xanh”.
Một cảnh trong phim “Ô nhiễm trắng” của đạo diễn Dương Văn Huy.
Bảy phim của các nước thuộc khối Liên minh châu Âu đều xoay quanh một chủ đề phát triển bền vững với các bộ phim: Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa (Ý), Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu (Anh), Rác ơi về đâu (Áo)…
Bộ phim “Rác ơi về đâu” của đạo diễn Áo Nikolaus Geyrhalter nói về rác thải do con người tạo ra xung quanh chúng ta mọi lúc mọi nơi. Đạo diễn dẫn dắt người xem lần theo dấu vết của lượng rác thải khổng lồ trên khắp hành tinh. Từ những đỉnh núi của Thụy Sỹ đến bờ biển Hy Lạp và Albania, đến một lò đốt rác ở Áo rồi Nepal và Maldives, cuối cùng là sa mạc Nevada. Con người luôn cố gắng kiểm soát lượng rác thải khổng lồ đó nhưng thu gom, nghiền nhỏ, đốt, chôn lấp… chỉ là những nhiệm vụ không có hồi kết giải quyết bề ngoài của vấn đề.
Bộ phim “Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu”, của đạo diễn Emily Munro (người Anh) là bộ phim tài liệu lưu trữ tìm kiếm nguyên nhân của khủng hoảng khí hậu sau chiến tranh. Phim giải đáp các câu hỏi về khí hậu, cũng như bàn luận nguyên nhân của khủng hoảng khí hậu trong giai đoạn lịch sử. Đây cũng là một bộ phim tài liệu bao gồm các tư liệu từ kho lưu trữ quốc gia Scotland, khắc họa hình ảnh đất nước với phần nhạc phim đặc biệt truyền tải thông điệp quá khứ theo một cách thức mới và có sức ảnh hưởng nhất.
Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Donna McGowan, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương bởi những vấn đề về biến đổi khí hậu. Khi xem phim, khán giả sẽ hiểu hơn về những vấn đề mà đất nước đang gặp phải, từ đó cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu chung sống hòa bình với thiên nhiên.
“Liên hoan phim là sự kiện rất quan trọng bởi năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; đồng thời cũng là 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam. Nhân dịp này, Hội đồng Anh cũng có một chương trình đặc biệt về khí hậu, bao gồm một chuỗi sự kiện về văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ tiếng Anh được tổ chức cho đến tháng 12”, bà Donna McGowan cho biết thêm.
Tại Hà Nội, các phim được chiếu tại Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình). Tại thành phố Hồ Chí Minh, các phim được chiếu tại DCINE Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1). Rạp chiếu mở cửa miễn phí cho khán giả.
Ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, tại mỗi buổi chiếu, khán giả sẽ được thưởng thức 1 bộ phim tài liệu của Việt Nam và 1 bộ phim nước ngoài.
Thông qua các bộ phim, khán giả không chỉ hiểu thêm về vấn đề khí hậu, bảo vệ môi trường, mà còn là dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam hiểu biết hơn xã hội chúng ta đang sống và quan hệ giữa con người với con người.
Mai Anh