Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, các bảo tàng Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức to lớn trong việc đổi mới để thu hút công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã có cách tiếp cận nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo nên những dấu ấn riêng biệt, góp phần bảo tồn di sản và giáo dục công chúng.
Những mô hình thành công trong thu hút du khách
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, một trong những bảo tàng có quy mô lớn nhất trên cả nước hiện nay, sau gần một tuần mở cửa chính thức đón khách vẫn đông nghịt người xếp hàng vào tham quan, trải nghiệm. Hòa vào dòng người tham quan bảo tàng, không chỉ có các bạn trẻ, học sinh, sinh viên mà còn có nhiều đoàn cựu chiến binh từ nhiều nơi xa xôi đã đến đây để được sống lại một phần lịch sử.
Có thể thấy nhu cầu tham quan bảo tàng của người Việt là rất lớn, khi dòng người đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ đang ngày càng quan tâm hơn đến việc tìm hiểu và gìn giữ Di sản văn hóa và lịch sử của đất nước. Sự quan tâm của công chúng đối với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng là một lời nhắc nhở quan trọng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và các bảo tàng khác về tầm quan trọng của việc đầu tư và phát triển các cơ sở văn hóa.
Bên cạnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng có nhiều bảo tàng đã và đang thu hút nguồn du khách ổn định, trở thành những mô hình thành công, là ví dụ điển hình cho câu chuyện “bảo tàng không phải nơi khô khan như người ta nghĩ”.
Bảo tàng Quảng Ninh, là một công trình văn hóa nổi bật, phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa và lịch sử của tỉnh Quảng Ninh. Sự độc đáo và hấp dẫn của bảo tàng được thể hiện qua thiết kế do kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha – Salvador Perez Arroyo thực hiện. Bảo tàng mang hình dáng hiện đại và sáng tạo, lấy cảm hứng từ than đá, lớp vỏ kính màu đen bao bọc tòa nhà như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long. Đồng thời, bảo tàng mang đến cho du khách những trải nghiệm tham quan đa dạng khi tích hợp công nghệ hiện đại trong trưng bày giúp bảo tàng không chỉ gìn giữ giá trị di sản mà còn làm mới cách tiếp cận của du khách. Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa thường xuyên đã góp phần tạo nên một điểm đến hấp dẫn. Do đó, đây là bảo tàng đã tiên phong trong việc thực hiện mô hình tự chủ 100% về tài chính, trở thành bảo tàng cấp tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đạt được thành công này.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng là một mô hình thành công trong việc thu hút du khách khi tập trung xây dựng một không gian trải nghiệm văn hóa sống động. Các chương trình giáo dục đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, sinh viên đến các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế. Khu trưng bày ngoài trời độc đáo tái hiện cuộc sống của các dân tộc thiểu số, mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế và sinh động.
Không thể không nhắc tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nổi bật với việc bảo tồn các giá trị di sản từ việc giới thiệu các tác phẩm điêu khắc Champa quý giá. Tự bản thân các hiện vật đã hàm chứa những giá trị nổi bật về nghệ thuật, điêu khắc, mỹ thuật của một nền văn minh cổ xưa từng tồn tại trên đất nước Việt Nam. Đây không chỉ là nơi trưng bày mà còn là trung tâm nghiên cứu văn hóa Champa, bảo tàng đã thiết lập mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu quốc tế, qua đó nâng cao giá trị học thuật và tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục về văn hóa Champa. Bộ sưu tập hiện vật độc đáo của bảo tàng là nguồn tài nguyên quý báu cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến nền văn hóa cổ xưa này.
Việc hướng tới tự chủ tài chính là một bước đi quan trọng để các bảo tàng có thể hoạt động bền vững và độc lập. Để đạt được điều này, rõ ràng những ví dụ điển hình nêu trên đã có một chiến lược hợp lý và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tối ưu hóa chi phí vận hành thông qua việc sử dụng công nghệ, cải thiện quy trình làm việc cũng là một phương tiện quan trọng giúp bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn, thu hút du khách viếng thăm.
Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động bảo tàng: Hướng đi mới cho sự phát triển bền vững
Theo dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung nhiệm vụ mới cho bảo tàng. Khoản d, Điều 12, Chương V, dự thảo Luật quy định bảo tàng không chỉ dừng lại ở chức năng sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện vật mà còn có nhiệm vụ “diễn giải, giáo dục và truyền thông Di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng”. Xu hướng này phản ánh sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vai trò của bảo tàng trong xã hội đương đại.
Trong bối cảnh công nghệ số đang thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của nhiều lĩnh vực, ngành bảo tàng cũng không nằm ngoài xu thế này. Việc chuyển đổi số toàn diện không chỉ giúp các bảo tàng nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khách tham quan.
Việc số hóa tài nguyên bảo tàng là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về hiện vật không chỉ giúp bảo tồn và quản lý hiện vật hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và trưng bày. Các bảo tàng có thể phát triển các trưng bày thực tế ảo, cho phép khách tham quan khám phá các bộ sưu tập từ xa, bất kể thời gian và không gian. Ứng dụng công nghệ AR/VR trong trải nghiệm bảo tàng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm sống động và chân thực, giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và lịch sử của các hiện vật.
Công nghệ số đang mở ra những khả năng mới trong việc trình bày và diễn giải di sản. Các bảo tàng tiên phong như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã triển khai nhiều trưng bày ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D, từ Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đến Văn hóa Đông Sơn. Hay Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa vào ngày 1.11 vừa qua thì YooLife cũng ra mắt tính năng ảo hóa không gian VR360 của bảo tàng, giúp người dân ở xa có thể trải nghiệm online một trong những bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam ngày nay.
Đổi mới trải nghiệm cho khách tham quan
Để thu hút và giữ chân khách tham quan, các bảo tàng cần đổi mới trải nghiệm tham quan thông qua việc ứng dụng công nghệ. Phát triển ứng dụng hướng dẫn thông minh giúp du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin về các hiện vật và khu trưng bày. Tích hợp thuyết minh đa ngôn ngữ tự động sẽ giúp bảo tàng phục vụ được đa dạng đối tượng khách tham quan quốc tế. Tạo không gian tương tác đa chiều, nơi khách tham quan có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, sẽ tăng cường sự hấp dẫn và gắn kết của bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ là nơi trưng bày những hiện vật lịch sử chiến tranh, mà còn mở ra một không gian trải nghiệm và tương tác sống động, giúp khách tham quan hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Hay khi thăm quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khách thăm quan còn có cơ hội tiếp cận, khám phá các hoạt động in tranh Đông Hồ, biểu diễn rối tay, thử trang phục dân tộc, chơi nhạc cụ truyền thống… Đây chính là cách thức đổi mới trải nghiệm thăm quan, để Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn đông khách du khách, đặc biệt là quốc tế viếng thăm trong những dịp cuối tuần.
Những bài học để phát triển bảo tàng trong tương lai
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và công nghệ không ngừng tiến bộ, các bảo tàng đang đứng trước thách thức và cơ hội để đổi mới và phát triển. Những bài học quý báu từ các mô hình bảo tàng thu hút du khách ở Việt Nam và các bảo tàng tiên tiến trên thế giới sẽ là kim chỉ nam quan trọng, giúp các bảo tàng Việt Nam không chỉ bảo tồn tốt hơn những giá trị văn hóa lịch sử mà còn thu hút và tương tác hiệu quả với công chúng. Việc áp dụng những chiến lược sáng tạo và bền vững sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của các bảo tàng, biến chúng thành những trung tâm giáo dục và văn hóa năng động, đáp ứng nhu cầu của thế hệ mới.
Sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước là yếu tố then chốt để các bảo tàng có thể phát triển bền vững và hiệu quả. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động bảo tàng, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Khung pháp lý rõ ràng và minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bảo tàng hoạt động và phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế tự chủ phù hợp sẽ giúp các bảo tàng linh hoạt hơn trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực. Cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư công nghệ và đào tạo nhân lực cho các bảo tàng. Việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và trưng bày mà còn tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khách tham quan. Đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng sử dụng công nghệ và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực bảo tàng, là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của các bảo tàng. Đồng thời với đó, việc tăng cường liên kết mạng lưới bảo tàng sẽ tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau, giúp các bảo tàng chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và dịch vụ.
Bản thân các bảo tàng cũng cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, xác định rõ mục tiêu và hướng đi của mình trong tương lai. Nâng cao năng lực quản trị là yêu cầu cấp thiết để bảo tàng có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách tham quan, các bảo tàng cần đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của mình. Thiết kế các tour tham quan chuyên đề, tập trung vào những khía cạnh cụ thể của bộ sưu tập, sẽ mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc và chuyên sâu hơn. Phát triển chương trình giáo dục đặc thù, nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau như học sinh, sinh viên, hay các nhà nghiên cứu, sẽ giúp bảo tàng thực hiện tốt vai trò giáo dục của mình. Tổ chức sự kiện văn hóa định kỳ không chỉ tạo ra nguồn thu mà còn giúp bảo tàng trở thành điểm đến thường xuyên của công chúng. Sản xuất ấn phẩm và lưu niệm độc đáo, mang đậm dấu ấn của bảo tàng cũng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa của bảo tàng.
Tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một hướng đi quan trọng để các bảo tàng mở rộng tầm ảnh hưởng và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp các bảo tàng tiếp cận với những ý tưởng và công nghệ mới mà còn tạo ra cơ hội quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa của mình ra thế giới.
Với những định hướng và giải pháp trên, hệ thống bảo tàng Việt Nam có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hóa và du lịch của đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của công nghệ, các bảo tàng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Để phát huy tối đa tiềm năng của mình, các bảo tàng cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, bản thân các bảo tàng và doanh nghiệp. Chỉ khi có sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ giữa các bên, các bảo tàng mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa, đồng thời tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/phat-trien-bao-tang-viet-nam-trong-ky-nguyen-so-1418642.ldo