(Dân trí) – Trong suốt thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi dấu ấn sâu đậm với vai trò là “người đốt lò”, khởi xướng mạnh mẽ cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 31/7/2017.
Cuộc phát động đấu tranh chống tham nhũng bắt đầu từ năm 2013 – khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trực thuộc Đảng. Từ đó đến nay, rất nhiều vụ với nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 ngày 11/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm.
“Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ khi dư luận lo ngại công cuộc chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí cán bộ. Theo ông, chính việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.
“Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận để tránh nhụt chí, không ai muốn làm, nhưng rõ ràng tư tưởng đó là sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói với các cử tri tại Hà Nội trong cuộc tiếp xúc sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 24/11/2018.
Trong buổi tiếp xúc cử tri, ông khẳng định về công tác phòng, chống tham nhũng, tất cả bộ máy, hệ thống đã vào cuộc nhưng quan trọng trong cách làm phải có biện pháp, không phải cứ hăng hái là được.
Tháng 1/2019, khi chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Theo ông, công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành xu thế, phong trào.
Ngày 26/7/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại đây, ông nhấn mạnh “Đại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ, không thiếu gì người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII ngày 12/10/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ và chia sẻ: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.
Ngày 1/2/2021, chủ trì họp báo sau khi được tín nhiệm tái đắc cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thẳng thắn về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo ông, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn. Đây là bệnh của những người có quyền, có chức và nắm trong tay tiền, của. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không kể người đó là ai, không có vùng cấm.
Cũng tại cuộc họp báo sau khi tái đắc cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm không phải vì trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn vì nhân văn, nhân đạo. Như Bác Hồ nói, phải cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây; xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm.
Tổng Bí thư cũng lưu ý không phải xử nhiều, xử nặng mới là nghiêm.
Ngày 15/9/2021, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan điểm: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (ngày 23/6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ví việc xử lý cán bộ vi phạm như cắt một vài cành cây sâu, mọt để cứu cả cây. “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm”, Tổng Bí thư nói.
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước đó hơn một tháng, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nêu quan điểm: “Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế”.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) sáng 19/6/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
“Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-ngon-manh-me-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-chong-tham-nhung-20240719151741151.htm