Đến thời điểm này, chưa phát hiện tình trạng sử dụng hàn the trong bảo quản thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát, lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra chất cấm hàn the.
Hàn the là hợp chất hoá học, hay được gọi là Borax-một loại muối rắn màu trắng đục, không mùi, không vị, dễ tan trong nước, có khả năng diệt khuẩn và nấm. Do hàn the có khả năng diệt khuẩn, chống nấm mốc nên có thể kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm. Đặc biệt là làm cho sản phẩm dai, giòn nên hàn the đã được cho thêm vào nguyên liệu để sản xuất bún, mì, phở, bánh cuốn, bánh đúc, bánh phu thê, thạch và sản phẩm chế biến từ thịt như giò, chả, nem chua, cá… để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, dẻo, giòn, dai tạo cảm giác ngon hơn.
Khi ăn phải thực phẩm có hàn the thì cơ thể có thể đào thải khoảng 70%, còn lại được tích tụ trong các cơ quan nội tạng, đến lúc nào đó lượng hàn the lên tới 5g thì gây ngộ độc cấp và mãn tính, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đối với người có đường ruột yếu, khi ăn phải thực phẩm chứa hàn the dễ gây tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, lâu dần sẽ tích tụ trong gan dẫn đến hại gan, suy nhược cơ thể. Hàn the kích thích hệ thần kinh có thể gây trầm cảm, riêng thận phải lọc nhiều chất độc trong, lâu ngày sẽ suy yếu và rối loạn chức năng thận. Nếu phụ nữ có thai, hàn the còn được đào thải qua sữa và nhau thai, gây độc hại cho thai nhi. Với trẻ em dùng thực phẩm có hàn the, lâu dài tác hại sẽ tăng dần, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt đối với trẻ em trong tuổi trưởng thành.
Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cảnh báo, người tiêu dùng hãy cảnh giác, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng hàn the, tẩy chay các cơ sở này và khi phát hiện, có dấu hiệu nghi ngờ hãy báo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Mọi người, mọi nhà tuyệt đối không sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm. Nhằm tránh nguy cơ từ hàn the nói riêng và các hóa chất độc hại khác có trong thực phẩm, người tiêu dùng nên mua và sử dụng các mặt hàng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ được sản xuất bởi những cơ sở uy tín đã được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép.
Tại Điều 5, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có quy định vi phạm về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Theo đó, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng, hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.
Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép. Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng, hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
|