Từng có giai đoạn phát triển rực rỡ, ba đại gia phố núi Gia Lai gồm Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Đức Long Gia Lai (DLG) đang đối mặt với loạt khó khăn, nợ nần.
Kinh doanh bết bát
Đức Long Gia Lai có lẽ là cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất khi vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản. Vụ việc xảy ra khi CTCP Lilama 45.3 gửi đơn lên tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG liên quan đến khoản nợ khoảng 18 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết đã gửi đơn khiếu nại, đề nghị đình chỉ quyết định của TAND tỉnh Gia Lai. Lãnh đạo công ty nói thêm DLG là công ty niêm yết với gần 50.000 cổ đông và hoạt động bình thường theo pháp luật, có tài sản khoảng 6.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ trả nợ cho các đối tác. Số nợ của Lilama 45.3 theo đó chỉ chiếm khoảng 0,3% tài sản tập đoàn.
Tiền thân của Đức Long Gia Lai là một xí nghiệp gỗ thành lập từ năm 1995, chuyên về chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Xí nghiệp ban đầu tọa lạc trên lô đất 9.700 m2 và có một dây chuyền chế biến gỗ thủ công bán tự động.
Sau thời gian gần 30 năm hoạt động, đại gia phố núi này đã phát triển thành tập đoàn đa ngành, với các mảng từ truyền thống như gỗ, đá granite, khai khoáng, bến xe, khách sạn… đến các mảng mới như bất động sản, năng lượng, linh kiện điện tử, hạ tầng giao thông…
DLG ghi nhận đỉnh cao kinh doanh trong giai đoạn 2015-2018 và bắt đầu sa sút kể từ năm 2019. Công ty có doanh thu lớn nhất năm 2018 với trên 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận cao nhất vào năm 2015 với hơn 81 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, công ty đối mặt với nhiều thách thức. Các chỉ số tài chính sa sút nghiêm trọng, điển hình là các mức lỗ khủng 930 tỷ đồng năm 2020 hay lỗ gần 1.200 tỷ đồng trong năm ngoái.
Tập đoàn chưa thanh toán cho hầu hết khoản vay đến hạn trả, bao gồm nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các tổ chức khác. Điều này dẫn tới sự tồn tại yếu tố trọng yếu không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
DLG bắt đầu đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán kể từ tháng 6/2010 với thị giá khi đó quanh 20.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh cổ tức), trong khi thị giá hiện nay chỉ còn khoảng 2.300 đồng/cổ phiếu, tức mất gần 90% giá trị vốn hóa.
Một đại gia khác, Quốc Cường Gia Lai, cũng dính lùm xùm về kiện tụng. Công ty bất động sản này gặp rắc rối về dòng tiền 2.882 tỷ đồng với đối tác Sunny Island nhiều năm qua, vẫn còn kéo dài đến nay.
Khởi nguồn của Quốc Cường Gia Lai là xí nghiệp tư doanh Quốc Cường được thành lập năm 1994, chuyên về khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón. Công ty bước chân vào mảng bất động sản kể từ năm 2005.
Quốc Cường Gia Lai hiện là đơn vị kinh doanh đa ngành từ các sản phẩm ván sàn, nội thất, xuất khẩu cà phê, cao su, đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp, đất nền nhà phố, biệt thự, khu dân cư phức hợp, xây dựng thủy điện… Trong đó, nguồn thu chủ lực các năm gần đây chủ yếu từ mảng địa ốc và thủy điện.
Công ty ghi nhận kết quả tốt nhất trong giai đoạn 2017-2018 với mức lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh sau đó giảm dần khi dính vào vụ kiện với Sunny Island và thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Thậm chí, trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Như Loan sáng lập còn ghi nhận doanh số giảm sốc 68% về 211 tỷ đồng và qua đó thua lỗ 13 tỷ đồng. Kết quả này khiến cổ phiếu QCG chính thức bị đưa vào diện không được phép giao dịch ký quỹ (margin).
Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai gắn liền với tên tuổi bầu Đức cũng có xuất phát từ một phân xưởng nhỏ sản xuất đồ gỗ từ những năm 1990. Công ty sau đó phát triển lên thành những nhà máy gỗ lớn, mở rộng thị trường ra nước ngoài, bước chân vào thị trường bất động sản, trồng cây công nghiệp và cả chăn nuôi, trồng trọt.
Trong thời kỳ đỉnh cao 2008-2014, HAG ghi nhận mức lợi nhuận vượt mức hàng nghìn tỷ đồng và giúp bầu Đức từng có thời điểm trở thành người giàu nhất Việt Nam. Hiệu quả kinh doanh sau đó bắt đầu trồi sụt cũng là lúc báo hiệu HAG rơi vào những khủng hoảng trầm trọng.
Những sai lầm về chiến lược kinh doanh bất động sản, chuyển đổi sang cây cao su hay chăn nuôi bò sữa khiến doanh nghiệp lao đao, nặng nề nhất là những khoản lỗ khủng hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 khiến HAG trở thành một trong những doanh nghiệp có lỗ lũy kế hàng đầu thị trường.
Doanh nghiệp của bầu Đức trong một vài năm gần đây đang liên tục tái cơ cấu để chuyển đổi, nhằm tìm lại ánh hào quang năm xưa. Bằng chứng là khi HAGL có lãi trở lại trong 2 năm liên tiếp, thậm chí là lãi đến 1.125 tỷ đồng trong năm ngoái để gỡ bỏ bớt những áp lực về nợ vay và lỗ lũy kế.
Từ hào quang phố núi đến “chúa nợ”
Điểm chung của 3 đại gia phố núi trên là xuất thân từ nghề buôn gỗ, sau đó phất lên nhanh chóng và rồi lâm vào những cuộc khủng hoảng khác nhau. Từ những doanh nghiệp hào quang đến từ Gia Lai, các doanh nghiệp này giờ đây khi nhắc đến tên người ta nghĩ ngay đến những khoản nợ khổng lồ.
Với Đức Long Gia Lai, công ty ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt đỉnh ở mức trên 8.700 tỷ đồng năm 2018, nhưng sau đó bị thu hẹp mạnh mẽ về còn khoảng 5.600 tỷ đồng cuối năm ngoái. Tương tự là quy mô nợ phải trả đạt đỉnh 5.200 tỷ đồng năm 2018 (tương đương 60% tài sản) nhưng đến cuối năm ngoái vẫn còn 4.500 tỷ đồng (tương đương 80% tài sản). Trong đó, vay nợ tài chính là 2.946 tỷ đồng.
Báo cáo cuối năm ngoái cho thấy tập đoàn này vẫn chưa thanh toán cho hầu hết các khoản vay, khoản nợ đến hạn trả cho ngân hàng và các đối tác, với tổng số tiền nợ quá hạn vượt mức 2.180 tỷ đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, tập đoàn này lại mang tiền cho các cá nhân và tổ chức vay tín chấp 2.257 tỷ đồng, không tài sản đảm bảo.
Quốc Cường Gia Lai cũng đối diện với tình trạng nợ nần lớn với tỷ trọng nợ phải trả/tổng tài sản duy trì mức 50-60% trong những năm gần đây. Chẳng hạn, tổng nợ phải trả cuối năm ngoái vẫn còn 5.610 tỷ đồng, tương đương với 56% tổng tài sản.
HAGL của bầu Đức có số dư nợ lớn nhất với tổng nợ phải trả lên đến 14.600 tỷ đồng, tương đương với 74% tổng tài sản cuối năm ngoái. Trong đó, bao gồm vay nợ tài chính (vay ngân hàng, trái phiếu, công ty khác) với giá trị hơn 8.165 tỷ đồng.
Nợ nần là một trong những nguyên nhân chính khiến HAGL từ kinh doanh lãi hàng nghìn tỷ đồng rơi xuống vực thẳm. Doanh nghiệp của bầu Đức dù liên tục tái cơ cấu trong những năm gần đây nhưng vẫn trong giai đoạn giảm nợ và xóa dần lỗ lũy kế, con đường tìm về hào quang năm xưa vẫn còn rất chông chênh.
Mới đây, HAGL tiếp tục phải rao bán khách sạn ở vị trí đắc địa tại Gia Lai để ưu tiên thanh toán nợ trái phiếu, đồng thời dự kiến chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động tiền thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu.
Bầu Đức cũng từng thể hiện quyết tâm rất lớn trong quá trình tái cấu trúc nợ khi nói rằng: “Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.