Tiên phong trong các lĩnh vực đời sống
Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữ cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội tại thôn, bản và khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 1.246 người thuộc 17 dân tộc được công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đội ngũ người có uy tín gồm nhiều thành phần như: Già làng,trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản và tương đương; cán bộ nghỉ hưu; chức sắc tôn giáo; thầy mo, thầy cúng, thầy lang; nhà giáo, thầy thuốc; người sản xuất kinh doanh giỏi; đảng viên, thành phần khác…
Không chỉ là cầu nối đưa chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, người có uy tín còn tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ hủ tục…
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ cũng là những người tiên phong hiến đất và vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng trụ sở thôn, nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã. Những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, môi trường nông thôn xanh mát…trong thành tích về đích nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh không thể không nhắc đến những đóng góp của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Nêu cao tinh thần gương mẫu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người có uy tín đã tiên phong trong việc tìm hiểu, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chủ động nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho gia đình; hướng dẫn, giúp đỡ hộ khó khăn phát triển kinh tế cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự. Bằng kiến thức và kinh nghiệm sống, người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Đặc biệt, người có uy tín luôn phát huy được vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của địa phương, cụ thể trong quy ước, hương ước thôn, bản, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc…
Phát huy vai trò người có uy tín
Có tiếng nói quan trọng trong đồng bào DTTS, phát huy vai trò và sức ảnh hưởng sâu rộng, người có uy tín đã kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, đội ngũ người có uy tín đã thực sự trở thành cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Bên cạnh đó, người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nhân dân thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư, không di cư tự do, phá rừng làm nương; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng; không mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy…
Nhờ đó, họ góp phần giảm tình trạng di dịch cư tự do, phá rừng làm nương; nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công tại cơ sở. Mặt khác, người có uy tín cũng tăng cường vận động nhân dân duy trì, nâng cao tinh thần cảnh giác, bài trừ, phản đối tư tưởng, luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành vi chống phá của kẻ thù; vận động nhân dân tham gia bầu cử, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ông Lù Văn Vặn, người có uy tín của bản Tin Tốc, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà chia sẻ: Ðời sống của người dân trong bản còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế, vì thế phát huy vai trò người có uy tín, tôi đã cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên vận động bà con chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia phát triển sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tôi kiên trì vận động bà con tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để tạo mặt bằng xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của người dân.
Chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bản thân tôi đã đến từng hộ gia đình vận động mọi người từ bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chủ động tham gia quét dọn vệ sinh xây dựng bản làng xanh – sạch – đẹp; tham gia xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa. Ngoài ra, tôi tuyên truyền nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư; kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong bản để củng cố mối quan hệ tình làng nghĩa xóm giữa người dân…
Hay tại huyện biên giới Mường Nhé các dòng họ Giàng, họ Lò ở xã Mường Toong, dòng họ Pờ xã Sín Thầu, dòng họ Vi, họ Lò của xã Mường Nhé và nhiều dòng họ ở các xã khác trong huyện…Trong các buổi sinh hoạt, người có uy tín tuyên truyền, vận động với các nội dung trọng tâm về việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, như: Không thách cưới, không lấy vợ lẽ, không tảo hôn, thực hiện nếp sống văn hóa mới; người chết không để lâu trong nhà; bài trừ các hủ tục; ăn ở hợp vệ sinh, ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị, không chặt phá rừng để bảo vệ môi trường nguồn nước, vận động con cháu sinh đẻ có kế hoạch và động viên con cháu ra lớp đúng độ tuổi…
Cùng với đó, người có uy tín đã trở thành cánh tay đắc lực giúp các ngành chức năng thông qua việc cung cấp các thông tin giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống luôn lậu, các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc – tôn giáo để lôi kéo nhân dân nghe theo luận điệu sai trái; đặc biệt là ở những tụ điểm nóng, quan trọng, có sự hỗ trợ các ngành các cấp triển khai nhiều nhiệm vụ như: vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động hòa giải, tham gia trực tiếp để giải quyết một số vụ việc về an ninh tại địa bàn.
Có thể thấy, trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh Điện Biên, người có uy tín như là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, người có uy tín là nhịp cầu nối gắn kết giữa Đảng với dân; họ đã hết lòng vì dân, vì sự tiến bộ của xã hội.
Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 8.355 lượt người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Năm 2022, có 1.246 người có uy tín (bao gồm 366 già làng, 111 trưởng dòng họ, 126 trưởng thôn, bản và 643 người thuộc các thành phần khác trong xã hội). Số nhân sĩ, trí thức người dân tộc thiểu số trên địa bàn là 6.781 người (trong đó có 1 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 1 nhà giáo ưu tú, 8 thầy thuốc ưu tú và 24 nghệ nhân ưu tú).