Ngày 27.4, tại Ninh Bình diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 – 2024), do UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.
Hội thảo nhằm tôn vinh các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, đánh giá những thành tựu nổi bật trong 10 năm qua; đồng thời xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di sản này đối với các định hướng chiến lược của tỉnh Ninh Bình thời gian tới. Đó là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới dựa trên các trụ cột du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, kết hợp hài hòa giữa phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản và tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho xu hướng tất yếu: kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản.
Đặc biệt, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản; trở thành sự lựa chọn, một điểm đến, một nơi chốn thân quen đáp ứng nhiều đối tượng du khách, cũng như đã bắt kịp với những nhu cầu phát triển chung của tình hình xã hội, kinh tế thị trường và luôn gắn liền với chủ trương phát triển tổng hòa các yếu tố văn hóa của Đảng và Chính phủ, cùng định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Ngọc cũng cho rằng, những lợi thế trên cũng là những thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thể hiện trách nhiệm của người dân và chính quyền đối với di sản quý báu của ông cha trước những vấn đề như: trách nhiệm của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn và giữ vững danh hiệu “Di sản thế giới”, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế di sản…
“Những thách thức này cần được giải quyết bằng những mục tiêu cụ thể và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là đến năm 2035 trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Du lịch – sản phẩm du lịch từ di sản là sự lựa chọn và lời giải cho mục tiêu này”, ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
Danh hiệu Di sản thế giới đã mang lại cho Ninh Bình nhiều kết quả tính cực. Đó là nâng cao danh tiếng, phát triển du lịch; bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, quản lý du lịch và phát triển kinh tế một cách bền vững; giữ gìn và phục hồi các giá trị văn hóa.
Để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ như Ninh Bình đang hướng tới, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các điểm đến khác…
Ghi nhận và hoan nghênh tầm nhìn xa và tinh thần hợp tác mở đường cho những thành tựu của Tràng An, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker cho biết, UNESCO vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Tràng An vượt qua những thách thức. Tầm nhìn hiện tại của Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO, đó là thúc đẩy hiểu biết văn hóa, hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản. Ông Jonathan Baker tin tưởng, Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành 3 phiên thảo luận: Phiên tổng thể “Kết nối đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO”; 2 phiên chuyên đề “Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An – Hành trình kiến tạo và bảo tồn phát huy giá trị” và “Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ”.
Các nội dung được tập trugn thảo luận gồm: tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ; những thành tựu nổi bật trong 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh, đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành – như một mẫu hình đô thị di sản; khẳng định vai trò và đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình thời gian tới; xác định vai trò, vị trí của di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế – xã hội; bảo tồn, nghiên cứu khoa học, kêu gọi, thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố di sản thế giới…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-vai-tro-gia-tri-cua-di-san-the-gioi-trang-an-trong-xay-dung-do-thi-di-san-thien-nien-ky-post369214.html