Tại huyện Nho Quan, Ninh Bình, người khuyết tật không chỉ được trang bị các kỹ năng để thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu mà còn được trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai từ quy mô nhỏ nhất ở thôn, xã, huyện.
Bị khuyết tật từ nhỏ với đôi chân đi lại khó khăn, chị Đinh Thị Yến (người Mường ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) đã nỗ lực học nghề may và nhận sửa chữa quần áo tại nhà nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nơi chị sinh sống thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng chính quyền địa phương mới chỉ đánh giá mức độ rủi ro ở cấp huyện đến cấp xã; chưa đánh giá cụ thể, chi tiết đến các khu dân cư.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi thiên tai và biến đổi khí hậu xảy ra, những người khuyết tật như chị Yến thường bị tổn thương kép. Bởi họ chưa được tiếp cận các thông tin, kinh nghiệm, lớp tập huấn để chống chọi, có phương án di dời, sơ tán, ứng phó. Điều này đồng nghĩa với người khuyết tật mất đi cơ hội làm chủ và tự bảo vệ mình trong lúc thiên tai xảy ra; không có cơ hội được tham gia một cách chủ động và toàn diện vào hoạt động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu” đã hỗ trợ, đem đến sinh kế cho hàng nghìn người khuyết tật và gia đình họ. (Ảnh ActionAid Quốc tế tại Việt Nam)
Năm 2018, nhận được hỗ trợ từ dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu” do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hỗ trợ, chị Yến được tham gia các lớp tập huấn đào tạo nghề và mở được xưởng may. Sau 3 năm xây dựng và vận hành, xưởng may phát triển thành Hợp tác xã may mặc Cúc Phương. Bên cạnh đó, chị Yến còn được trang bị các kỹ năng trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; tham gia xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai từ quy mô nhỏ nhất ở thôn, xã, huyện.
“Nhờ dự án, tôi cũng như các bạn người khuyết tật khác không còn mặc cảm hay tự ti khi ra xã hội. Các anh chị em hào hứng tham gia, đóng góp ý kiến tại các buổi họp, hoạt động tại cộng đồng. Từ đó đã hiểu và biết được những rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở địa phương và cách phòng tránh, chủ động chuẩn bị cách ứng phó, những địa điểm tránh trú an toàn mà dự án đã hướng dẫn, biết liên hệ với cá nhân, đơn vị có trách nhiệm khi thiên tai xảy ra. Cùng với đó, các HTX may mặc, nuôi ong cũng giúp chúng tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và thêm tự chủ” – chị Yến chia sẻ.
Sau 4 năm triển khai dự án, tính đến năm 2023, huyện Nho Quan có 41 thôn, 3 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú và Thạch Bình) đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai với thành viên là người khuyết tật. Cùng với đó, các mô hình Nhà tránh trú thiên tai cũng được thiết kế đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật như có đường đi lên xuống cho người khuyết tật vận động dùng xe lăn; có biển chỉ báo dẫn đường, chỉ báo thoát hiểm, chỉ báo thiết bị dành cho người khiếm thị; có đèn báo hiệu, còi báo hiệu địa điểm dành cho người khiếm thính.
Mô hình nhà tránh trú thiên tai ở Nho Quan được xây dựng bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật ở tất cả các dạng tật. (Ảnh ActionAid Quốc tế tại Việt Nam)
Dự án không chỉ đưa các xã ở huyện Nho Quan trở thành nơi có công trình công cộng thân thiện với người khuyết tật, đem đến sinh kế cho hàng nghìn người khuyết tật và gia đình họ, mà còn góp phần thay đổi cơ bản một nhận thức đã ăn sâu vào định kiến rằng “Người khuyết tật không thể làm gì trong thiên tai”.
Những mô hình mà dự án xây dựng đã thay đổi toàn diện cách nhìn của cộng đồng và chính quyền về vai trò của người khuyết tật trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, giúp họ thấy người khuyết tật đặc biệt là người khuyết tật nữ có thể tự quản lý được sinh kế của mình theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Người khuyết tật có thể chủ động tham gia lập kế hoạch phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu cấp địa phương, thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch ấy.
Đánh giá về Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định: “Người khuyết tật có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các đia phương lồng ghép kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì người khuyết có thể tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch này một cách hài hòa và bền vững”.
Ngọc Châu