Tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 20/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tán thành với việc cần phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước để khắc phục các bất cập như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật lần này cũng cần phải làm cho được nhiệm vụ quan trọng hơn đó là xây dựng chính sách thế nào cho thật sự phù hợp, để công tác quản lý tài nguyên nước thật sự hiệu quả.
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội trường Diên Hồng.
Tham gia góp ý cụ thể đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Chamaléa Thị Thủy tập trung vào ba vấn đề như sau:
Vấn đề thứ nhất: về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
Đại biểu tán thành với quy định tại Khoản 4, Điều 4 dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong việc quy định: “Bảo vệ tài nguyên nước là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân”. Trong đó, đại biểu rất quan tâm đến chủ thể là “cộng đồng dân cư”. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật những quy định thật cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của “cộng đồng dân cư”, vì nếu phát huy được sức mạnh, trách nhiệm của “cộng đồng dân cư” thì việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra sẽ rất hiệu quả. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 4 dự thảo Luật nguyên tắc: “Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với lợi ích cộng đồng….”, theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về việc phải lấy ý kiến (một cách thực chất) đối với cộng đồng dân cư, các đối tượng người dân, nhất là người dân sinh sống ở hạ lưu các con sông có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất trước khi thực hiện việc cấp phép cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với cá nhân, tổ chức.
Vấn đề thứ hai: vấn đề điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy phát biểu: “Là con dân của tỉnh Ninh Thuận, vùng thường xuyên khô hạn, thiếu nước nhất cả nước, Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này”. Đại biểu cho rằng, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước là rất quan trọng, góp phần đảm bảo nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 36 và Điều 37 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tuy nhiên, “muốn thực hiện được việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiệu quả trên thực tế, ngoài việc phải quy định nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như tại dự thảo Luật, thì vấn đề về đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy định này cần phải được hết sức quan tâm” đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy lấy ví dụ cụ thể như ngay tại Ninh Thuận, vấn đề của mọi vấn đề vẫn là NƯỚC. Thời gian qua, trung ương cũng đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước; địa phương cũng rất nổ lực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi, nhưng đến nay cũng mới đáp ứng tưới được khoảng 40% diện đất sản xuất. Đặc thù của các hồ chứa ở Ninh Thuận chủ yếu là các hồ nhỏ, thường không đủ nước tưới vào mùa khô nhưng lại phải xả lũ rất lớn trong mùa mưa, mặt khác ngay trong mùa mưa thì một số hồ phải xả lũ nhưng một số hồ vẫn không đủ nước để tích. Cử tri vẫn luôn mong chờ Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi kết nối liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh Thuận nhằm điều hòa, phân phối chuyển nước giữa các lưu vực, nhằm tận dụng nguồn nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô, đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất luôn là vấn đề hết sức bức thiết của Ninh Thuận. Thế nên, các chính sách cần có mối liên kết chặt chẽ và tương hỗ với nhau. Các quy định của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chỉ thực sự hiệu quả nếu được đảm bảo thực hiện bởi các nguồn lực thiết yếu từ các chính sách khác như: chiến lược về quy hoạch; đầu tư; xây dựng; bố trí, phân bổ nguồn vốn phù hợp, kịp thời…
Vấn đề thứ 3 là vấn đề về đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với các Luật khác
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với các Luật khác, nhất là Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Đất đai (đang sửa đổi) về các vấn đề có liên quan đến việc giao sử dụng, thu hồi vùng có nước, vùng đất có mặt nước để phục vụ cho việc nuôi, trồng thủy, hải sản; hoạt động vui chơi, du lịch; bảo vệ môi trường đa dạng sinh học… Đại biểu đề nghị nên phân định và quy định rõ theo hướng thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước phải thống nhất với thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng.
Thúy Sương