Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang cách mạng, được thành lập ngày 22/12/1944 tại chiến khu Việt Bắc, với tên gọi ban đầu là Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định là lực lượng chủ chốt, trọng yếu trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, là biểu tượng của sự hi sinh, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Qua từng chặng đường lịch sử, Quân đội ta đã không ngừng rèn luyện, trưởng thành, xây dựng nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”. Mỗi mốc son trong hành trình 80 năm qua đều thể hiện rõ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân – dân một lòng.
Ngày đầu thành lập với chỉ 34 chiến sĩ, trang bị thiếu thốn nhưng mỗi chiến sĩ đều mang lý tưởng cao cả là bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta đã dương cao ngọn cờ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cùng nhân dân cả nước tiến hành trường kỳ kháng chiến, lập nên nhiều chiến công hiển hách như: Chiến thắng Sông Lô, Thu – Đông năm 1947; Chiến thắng Biên giới năm 1950; Chiến thắng Hoà Bình năm 1952; Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 và chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, “biết đánh và biết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Quân đội ta đã kết hợp chiến tranh nhân dân với chiến tranh chính quy, kết hợp sức mạnh quân – dân để chiến thắng kẻ thù. Đây là chiến thắng minh chứng rõ rệt về sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân để đánh bại một đội quân thực dân thiện chiến được trang bị hiện đại, đầy đủ.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quân đội ta đã cùng với nhân dân cả nước lần lượt đánh bại, làm phá sản các chiến lược: “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc xâm lược. Đặc biệt, Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã khẳng định khả năng chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta khi đối mặt với những kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội, tưởng như là “bất khả chiến bại”.
Mùa xuân năm 1975, Quân đội ta triển khai 3 đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Với tư tưởng chỉ đạo ‘’thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng’’, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước thống nhất, mở ra kỷ nguyên hòa bình và phát triển cho Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã phản công và tiến công, đánh bại cuộc xâm lược của tập đoàn phản động, giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêngxary, hồi sinh, tái thiết đất nước.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành, giữ vững vai trò là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện phương châm “quân với dân như cá với nước” đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp quân đội vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Trong thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chú trọng phát triển toàn diện từ quân sự đến chính trị, tư tưởng, văn hóa và công nghệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang không chỉ bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo, mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp nhân dân lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, xứng đáng với danh hiệu tự hào “Đội quân chiến đấu, Đội quân công tác, Đội quân lao động sản xuất”.
Để góp phần cùng Quân đội xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ngày 17/10/1989 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là dấu mốc quan trọng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Sau 35 năm thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, với những nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực, nền quốc phòng toàn dân đã đạt được thành tựu quan trọng: Giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm môi trường ổn định, hoà bình cho sự phát triển đất nước. Làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường; thế trận “quốc phòng toàn dân” được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn. Lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Kế thừa truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, hơn 75 năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh (thành lập 12/7/1949) đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang tỉnh ta đã góp phần quan trọng trong xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường, tổ chức nhiều trận đánh. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 266 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động 16.972 dân công với 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ, 38 thuyền mảng, hơn 25.070 cây gỗ các loại phục vụ chiến dịch. Từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4/1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích với sự tăng cường của bộ đội chủ lực, đã đập tan các cụm phỉ lớn ở Mường Tè, Sìn Hồ, Mường Lay, Quỳnh Nhai… góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược, quân và dân tỉnh nhà đã nỗ lực cao nhất chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, lực lượng vũ trang tỉnh với chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã phối hợp bắn rơi 14 máy bay, bắn bị thương 45 chiếc khác. Từ năm 1965 – 1975 đã có 9.274 thanh niên, cán bộ là con em đồng bào các dân tộc tỉnh ta tòng quân chiến đấu chống đế quốc xâm lược. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, từ năm 1966 – 12/1973 lực lượng vũ trang tỉnh đã sát cánh cùng quân và dân 4 tỉnh Bắc Lào phối hợp tổ chức đánh 150 trận, diệt 478 tên địch, bắt sống 219 tên, gọi hàng 541 tên, phá hủy nhiều máy bay, phương tiện của địch. Qua đó góp phần xây đắp tình đoàn kết Việt – Lào “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia giáp 2 nước CHDCND Lào và Trung Quốc, tỉnh Điện Biên giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 2 và cả nước. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã không ngừng phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế tăng trưởng và phát triển; hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở được củng cố; truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ, nhân dân các dân tộc được phát huy; tiềm lực quốc phòng – an ninh không ngừng được tăng cường; khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Những năm qua, tỉnh ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, khu vực và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp. Song, với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, chung sức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Những thành tựu của tỉnh có đóng góp quan trọng của lực lượng vũ trang tỉnh. Thông qua các phong trào Thi đua Quyết thắng thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu lập nhiều thành tích. Lực lượng vũ trang luôn nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý tốt các vấn đề phức tạp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ. Phối hợp bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm; các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh; các đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu quốc tế thăm, làm việc, tham gia các sự kiện chính trị tại tỉnh, gần đây nhất là bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Dân vận khéo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thúc đẩy các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác”. Cán bộ chiến sĩ tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Đặc biệt, lực lượng vũ trang tỉnh đã thành lập 15 tổ, đội công tác tham gia xây dựng 86 cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện.
Trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự – quốc phòng địa phương đặt ra yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự – quốc phòng địa phương. Nắm chắc, nhận định đúng tình hình, chuẩn bị tốt phương án, tham mưu xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh.
Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại. Chú trọng giáo dục, trang bị kiến thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Huấn luyện bài bản, chuyên sâu về kỹ, chiến thuật hiện đại. Cập nhật, áp dụng, làm chủ các công nghệ quân sự hiện đại, tăng cường huấn luyện về chiến tranh thông tin. Tăng cường diễn tập, huấn luyện thực tế nhằm nâng cao khả năng phối hợp với các lực lượng khác trong mọi tình huống. Tăng cường phối hợp giữa quân đội với chính quyền địa phương, các lực lượng khác và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Ba là, xây dựng “Thế trận quốc phòng toàn dân” vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng với các cơ quan, ban, ngành trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống các tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh. Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng tiềm lực quân sự, phòng thủ dân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh.
Bốn là, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Lực lượng vũ trang tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại khu vực vùng cao, biên giới. Phối hợp chính quyền địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển giao công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân thay đổi tập quán, phương thức canh tác, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Năm là, nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, chiến sĩ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là các đơn vị đóng quân tại địa bàn vùng cao, vùng biên giới. Đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất tạo điều kiện để cán bộ chiến sĩ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí TRẦN QUỐC CƯỜNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quoc-phong/phat-huy-truyen-thong-80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung-luc-luong-vu-trang-dien-bien-quyet-tam-hoan-thanh-xuat-sac-moi-nhiem-vu-duoc-giao