Được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà không chỉ tăng thêm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Việt Nam, mà còn mang lại những triển vọng phát triển du lịch theo hướng “đầu tư xanh’ như chủ đề của Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay.
Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã chính thức công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới.
Đặc biệt, đây là di sản thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn của hai địa phương.
Thách thức của mô hình quản lý liên tỉnh
Có thể thấy, các di sản thế giới được UNESCO ghi danh tại Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.
Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một quy chế quản lý chung của hai địa phương, để cùng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và giải quyết các mối đe dọa chính như vấn đề ô nhiễm môi trường, săn trộm, khai thác tài nguyên biển và lâm sản, đánh bắt quá mức…
Vẻ đẹp vịnh Lan Hạ, thuộc Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: Phương Linh) |
Được biết, thành phố Hải Phòng đã có chủ trương ký kết cụ thể với tỉnh Quảng Ninh về quy hoạch, bảo vệ di sản, tuyên truyền, phát huy giá trị của di sản đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hải Phòng Hoàng Tuấn Anh vẫn cho rằng, giữa Cát Bà và Hạ Long hiện có sự chênh lệch trong cả công tác quản lý và việc đầu tư phát triển.
Vịnh Hạ Long đã hai lần được ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới và thực tế thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã làm khá tốt trong việc quảng bá hình ảnh Vịnh cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ du khách tham quan.
Bởi vậy, khu vực Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà cần có cơ chế quản lý, khai thác phù hợp và đồng bộ, đặc biệt có sự đầu tư hơn nữa từ phía Hải Phòng.
Theo thống kê của UBND huyện Cát Hải (quần đảo Cát Bà nằm trên địa bàn huyện Cát Hải), từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Cát Bà ước đạt gần 2,5 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 400.000 lượt.
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh công tác quản lý du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Cát Bà thành “Điểm hẹn bốn mùa” hấp dẫn du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà cũng tranh thủ quảng bá, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm du lịch để đón du khách, nhất là khách quốc tế trong thời gian tới.
Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải cho biết, địa phương đã phối hợp với các đơn vị của hai tỉnh nhằm tham mưu cho các ban, ngành liên quan xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp quản lý các điểm du lịch thuộc Vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà) và Vịnh Hạ Long.
Phát triển theo hướng bền vững
Tin vui Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cùng với nhiều danh hiệu giải thưởng du lịch do các tổ chức du lịch quốc tế vừa trao cho các điểm đến, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo thêm được sức hút, giúp lượng khách quốc tế có sự tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Tuy nhiên, Di sản thiên nhiên thế giới mới cũng đang phải đối diện với không ít thách thức, điển hình là vấn đề môi trường, rác thải từ các hộ nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, giá trị về thiên nhiên của Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là to lớn, nhưng vấn đề môi trường trên biển đang khá nhức nhối, cần được chính quyền địa phương có các biện pháp bảo vệ.
Theo ông Vũ Thế Bình, để di sản hấp dẫn trong mắt công chúng, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, các địa phương cần chung tay bảo vệ, nghiêm cấm các tác động hủy hoại, khai thác trái phép, đồng thời quan tâm bảo vệ môi trường biển.
Ở góc độ doanh nghiệp khai thác sản phẩm du thuyền trên Vịnh Hạ Long và Lan Hạ, Chủ tịch tập đoàn Lux Group Phạm Hà cũng đề xuất, bên cạnh việc cấp thiết bảo vệ môi trường trên vịnh, các địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng nên có cơ chế phối hợp để khai thác liên thông giá trị di sản giữa hai bên.
Du khách nước ngoài khám phá vịnh Hạ Long. (Nguồn: Vntrip) |
Ông Phạm Hà bày tỏ: “Hy vọng hai địa phương có chính sách liên thông về cơ chế quản lý, các quy định về giá vé, phương thức khai thác… để doanh nghiệp có thể xây dựng được những sản phẩm liên tuyến hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách”.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cũng khẳng định, thời gian tới, sau khi được vinh danh, di sản sẽ tạo ra các cơ hội lớn trong việc triển khai các dự án lớn phát triển kinh tế – xã hội liên quan trong và ngoài vùng đệm của di sản ở hai địa phương, đặc biệt đối với thành phố Hải Phòng.
Bởi vậy, tận dụng các cơ hội này cũng đồng thời phải lưu ý bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn di sản theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO và quan điểm bảo tồn di sản văn hoá.