A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, độ cao trung bình từ 600-800m so với mực nước biển, có đường biên giới hơn 80km tiếp giáp với nước bạn Lào và 2 cửa khẩu (Hồng Vân – Cô Tài; A Đớt – Tà Vàng).
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
A Lưới cũng là mảnh đất căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến với 72 điểm di tích, trong đó có 12 di tích đã được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh, điểm nhấn là đường Hồ Chí Minh huyền thoại là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Hiện địa phương có 2 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là nghề Dệt thổ cầm Dèng của người Tà Ôi (năm 2016) và Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của người Pa Cô (năm 2019). Bên cạnh đó, huyện A Lưới còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh vật, sông, suối, núi rừng, thảm thực vật phong phú, đa dạng, khí hậu được ví như “cỗ máy điều hoà” khổng lồ… và được ca ngợi là 1 trong 7 thung lũng đẹp nhất đất nước.
Đặc biệt, truyền thống văn hóa mang đặc trưng riêng của các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều… chính là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng và du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc.
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, UBND huyện A Lưới đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư – doanh nghiệp…
Thông tin tại hội nghị, Phòng VHTT huyện A Lưới cho biết, với lợi thế đậm đà bản sắc dân tộc, huyện A Lưới đã, đang phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng tại các điểm du lịch. Nhiều hoạt động đặc sắc thu hút du khách như: Tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm Dèng tại A Roàng; tìm hiểu nghề Gốm truyền thống tại trung tâm huyện; tái hiện đám cưới người Pa Cô; tìm hiểu nghề đan chiếu truyền thống, giã gạo, xông răng, gội đầu, tham quan bản làng tại làng du lịch A Nôr; Xem xúc cá, làm bánh, tái hiện tục đi Sim tại PârLe, Hồng Hạ; Chương trình văn nghệ dân gian tại các làng du lịch;…
Hiện nay, A Lưới có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch đang khai thác phát triển khá tốt, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ) với công suất tối đa hơn 800 khách/thời điểm. Các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như: du lịch trải nghiệm, trekking, mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các dịch vụ giải trí, chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực, chương trình một ngày làm người Pa Cô, khai thác rượu Đoác, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh, đan chiếu, dệt Dèng… hấp dẫn du khách.
Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh và năm 2019 được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Những sản vật nông sản từ núi rừng, những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt Dèng thổ cẩm, đan lát mây tre, làm chổi đót… ngày càng được du khách ưa chuộng.
Phát triển du lịch là chương trình trọng điểm, đột phát trong phát triển kinh tế
Vừa qua, nhãn hiệu “Du lịch A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với du khách sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương. Từ đó, đưa thương hiệu Du lịch A Lưới vươn tầm quốc gia, quốc tế, trở thành điểm nhấn, dễ dàng nhận diện và vươn ra thị trường.
Thống kê cho thấy, tình hình khách tham quan du lịch A Lưới ngày càng tăng lên qua các năm. Năm 2023, tổng lượt khách đến A Lưới ước đạt 72.000 lượt; doanh thu ước đạt 36 tỷ đồng. Năm 2024, tổng lượt khách dự ước 75.000 lượt. Trong đó, khách nội địa ước đạt 70.000, khách quốc tế ước đạt trên 5.000 lượt; Khách lưu trú, ước đạt 10.000 lượt; thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày; ước doanh thu 37,5 tỷ đồng. Đây là những con số rất đáng ghi nhận tại một địa phương đang còn nhiều khó khăn như huyện A Lưới.
Tại hội nghị xúc tiến du lịch huyện A Lưới, các đại biểu đánh giá rất cao những tiềm năng, lợi thế của vùng đất, con người A Lưới trong việc đầu tư để phát triển du lịch. Tuy chỉ mới bắt tay vào làm du lịch trong một vài năm trở lại đây, nhưng những kết quả đạt được đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền cùng người dân địa phương. Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đóng góp cụ thể đã được các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư – doanh nghiệp… đưa ra với mong muốn, trong thời gian tới sẽ khai thác, phát huy hết mọi tiềm năng, thế mạnh để đưa A Lưới trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách.
Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết, huyện A Lưới xác định Phát triển du lịch là chương trình trọng điểm, đột phá trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã ban hành các quyết nghị quan trọng về phát triển du lịch A Lưới với các giải pháp như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch về phát triển du lịch. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Huyện A Lưới cũng cam kết sẽ hoàn thiện đề án phát triển du lịch và đồng hành cùng với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại huyện A Lưới.
Nguồn: https://toquoc.vn/phat-huy-tiem-nang-de-a-luoi-tro-thanh-diem-den-thu-hut-khach-20240517160014021.htm