Nghề chế biến gỗ phát triển, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Thanh Sơn.
Ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển khá đa dạng, hoạt động trong các lĩnh vực: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Các hình thức sản xuất chủ yếu là hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân.
Toàn tỉnh có khoảng 120.000 lao động đang trực tiếp tham gia sản xuất tại các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn. Đây phần lớn là lao động tại chỗ, có kinh nghiệm, kỹ năng nghề truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ. Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 làng nghề đang hoạt động, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương. Điều kiện tự nhiên đa dạng, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú cũng là lợi thế để phát triển các ngành nghề.
Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã xác định rõ những ngành nghề có lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa gắn với thị thường tiêu thụ, phát triển thành sản phẩm OCOP. Nhiều mô hình đã bước đầu gắn kết hiệu quả giữa phát triển làng nghề, ngành nghề với xây dựng thương hiệu, tạo thêm giá trị gia tăng và cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại chỗ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đang từng bước tạo dựng thương hiệu như: Rượu làng Đình (xã Yên Thủy), dệt thổ cẩm Chiềng Châu (xã Mai Hạ), chè Đá Hen (xã Đồng Lương), đồ gỗ mỹ nghệ Tiên Du (xã Chí Đám), mộc dân dụng Thanh Lãng (xã Xuân Lãng)...
Bên cạnh các nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng tiêu dùng hiện đại như sản xuất đồ gỗ nội thất, chế biến thực phẩm sạch, trồng và chế biến dược liệu, gia công hàng may mặc, bao bì... Những mô hình này không chỉ tận dụng tốt nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ mà còn mở rộng dư địa phát triển cho khu vực nông thôn.
Làng nghề mộc Vân Du (xã Chí Đám) hiện có khoảng 70 hộ làm nghề, doanh thu bình quân đạt 300 tỷ đồng/năm, làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Ông Nguyễn Trọng Chiến- Trưởng làng nghề cho biết: “Các hộ làm nghề đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, hiện chiếm trên 50% công đoạn trong quy trình sản xuất. Nghề mộc mang lại thu nhập chính cho người dân làng nghề và giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Máy móc được đầu tư giúp sản phẩm làng nghề nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ thiếu sự liên kết, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm chưa thực sự đa dạng, sức cạnh tranh còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Thời gian tới, để phát triển ngành nghề nông thôn bền vững, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Cùng với đó là việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên, lợi thế địa phương và nguồn lao động tại chỗ. Việc đổi mới, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, đồng thời thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, đóng vai trò hạt nhân trong chuỗi liên kết với nông dân sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành nghề nông thôn phát triển theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, tích hợp đa giá trị.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-huy-tiem-nang-cua-nganh-nghe-nong-thon-235512.htm
Bình luận (0)