Triển khai toàn diện trên tất cả các kênh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: “Năm 2023, công tác đối ngoại sôi nổi về hoạt động và là điểm sáng trong các thành tựu chung của đất nước. Điều này đã được khẳng định bởi các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đánh giá rất khách quan từ dư luận quốc tế”.
Đóng góp vào thành công chung đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gửi lời cảm ơn và nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước, không chỉ đồng hành, đưa tin bài, mà còn quảng bá kết quả đạt được cũng như sự tham gia đóng góp của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại chung của đất nước, trong đó có công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đối ngoại năm 2023, trong đó có công tác người Việt Nam ở nước ngoài, được triển khai toàn diện trên tất cả các kênh (kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nghị viện, ngoại giao nhân dân) và các cấp, từ Trung ương đến địa phương.
Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo ta luôn dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, thể hiện trách nhiệm, tình cảm dành cho kiều bào; đồng thời, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc để vừa đóng góp cho sở tại, vừa đóng góp cho trong nước. Bà con kiều bào là cầu nối rất quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Huy động và vận động kiều bào đóng góp cả về kinh tế lẫn chất xám
Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư… tiếp tục tăng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: “Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài gồm 2 yếu tố, nhiệm vụ chủ yếu, luôn song hành với nhau, đó là vận động và huy động. Nguồn lực của kiều bào rất to lớn nên để vận động và huy động được, phải thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau”.
Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, thể hiện bằng văn bản của Bộ Chính trị, chương trình hành động, đề án của Chính phủ, bộ, ngành. Đối với việc sửa đổi các chính sách pháp luật, kiều bào có thể kiến nghị những mong muốn và chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của các nước đông cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, trong lĩnh vực có liên quan đến kiều bào.
Không chỉ tạo các điều kiện để vận động, huy động kiều bào đóng góp, cống hiến cho trong nước cả về kinh tế lẫn chất xám, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh nhiệm vụ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò, vị thế và củng cố địa vị pháp lý trong xã hội sở tại.
Phát huy sức mạnh mềm của kiều bào
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, “sức mạnh mềm” của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện thông qua việc kiều bào ta tiếp tục giữ và nâng cao vị thế ở nước sở tại; các hoạt động văn hóa; tích cực kết nối trong và ngoài nước với những cử chỉ hành động đáng quý.
“Sức mạnh mềm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bao hàm rộng, có giá trị về mặt tinh thần, chia sẻ với nhân dân trong nước lúc khó khăn, dịch bệnh. Sức mạnh mềm thể hiện tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng thông tin, dự kiến, chương trình Xuân Quê hương năm 2024 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1 – 2/2/2024 (tức ngày 22 – 23 tháng Chạp năm Quý Mão).
Đây là chương trình thường niên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.