Từ tư duy đổi mới
Cách đây 94 năm, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ TP Hà Nội được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử các phong trào cách mạng của Hà Nội. Đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội đã tiến hành 17 kỳ Đại hội; từ lúc chỉ có vài đảng viên cốt cán, nay đã không ngừng phát triển. Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Đảng bộ TP lại càng thêm lớn mạnh.
Đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội hiện là đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, hơn 48 vạn đảng viên, chiếm hơn 9% tổng số đảng viên cả nước. Tổ chức Đảng và đảng viên là những hạt nhân chính trị, hội tụ và lan tỏa sức mạnh tổng hợp của Thủ đô từ cơ sở.
Theo các tư liệu về lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, trong 94 năm qua, công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ ở Đảng bộ Hà Nội luôn được thường xuyên chăm lo với nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, hiệu quả. Chỉ tính riêng 4 nhiệm kỳ Đại hội gần đây, trong hơn 30 chương trình công tác lớn Thành ủy Hà Nội, có 4 chương trình về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Đây là những chương trình được coi là “xương sống” của mỗi nhiệm kỳ, là nền móng, cơ sở quan trọng để Đảng bộ Hà Nội đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện. Công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thuộc Đảng bộ TP được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đã khắc phục cơ bản tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, xác định công tác cán bộ giữ vị trí then chốt của then chốt, là khâu đột phá, ngay từ khi thành lập, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng bộ TP đã tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý. Bởi từ thực tiễn cho thấy, xây dựng Đảng mạnh xét cho cùng là xây dựng tổ chức và xây dựng con người. Nhờ có những giải pháp quyết liệt ở tất cả các khâu như quy hoạch bài bản, đánh giá cán bộ đổi mới và đi vào thực chất, đào tạo – bồi dưỡng được đặc biệt chú trọng, phân công, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thường xuyên… nên giai đoạn nào, đội ngũ cán bộ TP cũng đủ năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, xung kích đi đầu, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện các nhiệm vụ.
Đặc biệt, nhiệm kỳ này, để hiện thực mục tiêu của Chương trình số 01-CTr/TU khóa XVII, Thành ủy đã đưa vào triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025 và những năm tiếp theo”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt kỷ cương kỷ luật, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ, điều động luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đặt cán bộ ở đúng vị trí sở trường, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, cán bộ yếu kém, mất uy tín, tín nhiệm…
Cùng với đó, với tư duy đổi mới, ngành xây dựng Đảng của TP cũng đã chủ động tham mưu, góp phần hình thành hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ của TP ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn. Đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt, bám sát thực tiễn, gần dân, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh ngay từ cơ sở; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu… Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành và chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm. Qua đó thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và từng cán bộ, đảng viên.
Không dừng lại ở đó, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, tập trung vào những việc khó, việc mới như củng cố các cơ sở đảng yếu kém, tăng cường vai trò của Đảng trong DN ngoài nhà nước…
Đến những bước đột phá trong phát triển
Với việc nâng cao công tác xây dựng Đảng, cùng tinh thần xuyên suốt là đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy được lan tỏa mạnh mẽ, quyết liệt tới cơ sở, tạo động lực quan trọng để Thủ đô giành được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
“Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện rất tốt các Nghị quyết Đại hội của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, trên nhiều phương diện, không chỉ tạo ra những đột phá nổi trội về phát triển kinh tế – xã hội, diện mạo đô thị, đến những đổi mới trong hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị”… Kết quả phát triển toàn diện của TP chính là minh chứng cho đường lối đúng đắn trong chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội, trong đó đã có những quyết định mang tính đột phá, với những bước đi vững chắc, chương trình hành động thích hợp để toát lên hình ảnh của một TP là Thủ đô.
Theo tôi, để có bước chuyển biến mới, sức lan tỏa mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, một trong những sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội vẫn được duy trì là xây dựng các chương trình công tác giúp cho các “tư lệnh” phụ trách, đội quân tham mưu trên từng lĩnh vực căn cứ vào đó để chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện. Cùng với đó trong từng năm, tôi thấy Thành ủy Hà Nội đều chọn chủ đề công tác có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đó là sáng kiến tốt rất đáng được tiếp tục” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)
Thực tiễn cũng cho thấy, vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Hà Nội đã có những đóng góp to lớn vào mọi mặt của cả nước, trong đó chiếm khoảng 20% về thu ngân sách và hơn 16% về tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Một điểm nhấn không thể không nhắc tới là sự đổi thay về diện mạo của đô thị Hà Nội. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp như những “siêu TP sầm uất thu nhỏ”, Hà Nội trở thành một TP hội nhập năng động, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc và bề dày văn hóa. Những trục đường cao tốc, đường vành đai, đường xuyên tâm, các cây cầu mang tầm thế kỷ cùng hệ thống giao thông công cộng hiện đại… mang tính biểu tượng của sự đột phá tại Hà Nội.
Đồng thời với đó, Hà Nội cùng tỉnh đang tập trung để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, TP trong Vùng.
Cùng với đó, toàn hệ thống chính trị Thủ đô đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô, như: Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065… để trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới và chuẩn bị đưa vào triển khai trong thực tiễn.
Không chỉ có vậy, trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội cũng xác định rõ tiềm lực to lớn về văn hóa, khoa học, công nghệ…, các thế mạnh sẽ tập trung khai thác, tạo động lực thu hút nhà đầu tư, tạo thành nguồn lực trong xây dựng và phát triển. Từ đó, góp vào hiện thực mục tiêu cao hơn, xa hơn, để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế…