Hơn 100 tham luận của cán bộ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu gửi về Ban tổ chức hội thảo đã tập trung phân tích và đi đến thống nhất, khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về chủ nghĩa yêu nước và phẩm chất cộng sản. Trong hành trình vĩ đại của Người luôn gắn liền với các di tích, hiện vật lịch sử khác nhau. Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã tiến hành xây dựng, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các di tích, hiện vật, tài liệu liên quan đến Người.
Trải qua năm tháng và thăng trầm lịch sử, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý báu, câu chuyện có thật phản ánh sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người. Từ Làng Sen, Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đến Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và hơn 300 di tích, địa điểm di tích về Người ở Thủ đô Hà Nội là những chứng tích lịch sử để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tham luận với chủ đề: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-công trình của “lòng dân-ý Đảng”, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ những giá trị chính trị, văn hóa to lớn của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Giá trị ấy không phải ở sự nguy nga, tráng lệ mà bởi ở đó đang giữ gìn và lan tỏa những giá trị của một vĩ nhân đã đi vào lịch sử; nơi hội tụ tình cảm, niềm tin và những giá trị thiêng liêng, cao quý”, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng khẳng định.
Đội tiêu binh danh dự duyệt đội ngũ qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TUẤN HUY |
Mỗi di tích, địa danh di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và giải phóng nhân loại. Theo đó, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những giá trị về khoa học và thực tiễn của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Theo Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị về mặt lý luận của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Người gắn với những không gian, thời gian trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, mang giá trị “chứng tích lịch sử”. Đó là nơi từng khởi phát những quan điểm, tư tưởng của Người trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, định hướng cho sự phát triển của dân tộc theo mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sáng lập, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam; là cầu nối để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng của Người.
Bàn về giá trị thực tiễn, các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế tục, phát huy di sản văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; thể hiện sự trân trọng, lưu truyền, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Thực tế cho thấy, hầu hết di tích của Người trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục chính trị, truyền thống, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, vun đắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ nói chung và giáo dục chính trị trong Quân đội nói riêng. Qua đó, tiếp tục phát huy phẩm chất, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội qua các thời kỳ cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở trong nước hay ngoài nước đều là những chỉ báo cụ thể và là cầu nối để phát huy giá trị di sản của Người đối với hậu thế. Do đó, việc tìm hiểu vai trò, giá trị của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về giá trị di sản Hồ Chí Minh. Để từ đó, chúng ta tiếp cận được ánh sáng của khoa học, của tri thức, của chân lý cách mạng”.
Phát huy thiết chế văn hóa và đổi mới giáo dục chính trị
Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội cần mang lại hiệu quả thực sự, thực tế, góp phần làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng, hành động và trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, hội thảo tập trung đánh giá thực trạng và xác định yêu cầu phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Thông tin từ hội thảo cho thấy, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở trong tình hình mới”, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị, góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng. Hiện nay, trước những tác động của bối cảnh thế giới và trong nước, các thế lực thù địch vẫn chống phá cách mạng, vì vậy, việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị càng có ý nghĩa chiến lược. Vậy phải làm gì để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội hiện nay?
Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đồng tình quan điểm, trước hết, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục chính trị. Đồng thời tổ chức chặt chẽ các hoạt động tham quan, báo công, nêu gương, tuyên dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tại các điểm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thức phù hợp, sáng tạo, tiếp tục phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa nhất là bảo tàng, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị… Đây là hình thức giáo dục chính trị trực quan, sinh động, gợi mở, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, mang đến những điều hay, điều mới, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu biết thêm giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó thẩm thấu, vận dụng vào quá trình tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện, noi theo gương sáng Bác Hồ.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giảng dạy trong các nhà trường Quân đội, theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị, cần phải coi giáo dục giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị để thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm cả diện rộng và chiều sâu. Trên tinh thần ấy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong các nhà trường Quân đội hiện nay.
Để làm sáng tỏ hơn những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di tích về Người, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh những hoạt động nghiên cứu khoa học. Qua đó cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-huy-lam-sau-sac-them-gia-tri-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-733341