PV: Xin ông cho biết, tình hình tôn giáo tại Thừa Thiên – Huế hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Lập:
Thừa Thiên – Huế là một trong những trung tâm tôn giáo của miền Trung và cả nước. Trên địa bàn có khoảng 60% dân số theo 4 tôn giáo chính gồm Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin lành. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều loại hình tín ngưỡng phong phú, đa dạng như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành Hoàng làng, thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, thờ các anh hùng dân tộc, thờ tổ nghề…
Do điều kiện lịch sử và tính đặc thù của văn hóa vùng đất kinh thành, tín ngưỡng, tôn giáo ở Thừa Thiên – Huế đã và đang giữ một vai trò quan trọng chi phối sâu sắc đến đời sống tinh thần của đa số nhân dân. Chính những tư tưởng, đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Công giáo, “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của Tin lành, “Nước vinh, Đạo sáng” của Cao Đài… đã hun đúc nơi chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo và nhân dân những phẩm chất cao quý, đó là tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước và ý thức độc lập dân tộc, là tiền đề của khối đại đoàn kết toàn dân.
PV: Việc phát huy giá trị tôn giáo đã giúp đời sống của người dân phát triển ra sao?
Ông Nguyễn Văn Lập:
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, đoàn thể các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác tôn giáo, coi đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động, lễ hội tôn giáo như: Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, ngày Khai đạo Cao Đài… đã thu hút đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ, nhân dân tham gia; việc thuyên chuyển, đăng ký bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành, hoạt động tuyển sinh, đào tạo… thực hiện đảm bảo các quy định. Hàng chục cơ sở tự viện, tổ đình, chùa, nhà thờ được xây dựng, sửa chữa, trùng tu khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.
Giáo hội các tôn giáo đã tích cực tham gia các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện nhân đạo như khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; hình thành các cơ sở giáo dục mầm non, dưỡng lão, dạy nghề, nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi; ứng phó với biến đổi khí hậu, tình nguyện tham gia, ủng hộ kinh phí, vật chất, địa điểm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và ngành y tế trong thời gian qua; treo cờ Tổ quốc tại cơ sở tôn giáo nhân các ngày lễ lớn của quê hương đất nước và các sự kiện lớn, ngày lễ trọng của tổ chức tôn giáo; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của thôn, xóm, khu dân cư; tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường…
PV: Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị tôn giáo trên địa bàn, tỉnh sẽ có những hướng đi, cách làm nào?
Ông Nguyễn Văn Lập:
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Thường xuyên củng cố, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với giáo hội các tôn giáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động, sinh hoạt tôn giáo; tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, các phong trào thi đua yêu nước như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên – Huế “sáng – xanh – sạch, không rác thải”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào “Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo”, phong trào “Chủ nhật vì cộng đồng” gắn với Ngày Chủ nhật xanh… Qua đó, nhằm góp phần sớm đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Mỗi tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Thừa Thiên – Huế nói riêng, dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo không chỉ lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội mà còn cụ thể hóa các giá trị đó thành những hành động thiết thực, góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước và tỉnh nhà.