Thúc đẩy giáo dục liên văn hóa, giao tiếp liên văn hóa, truyền thông trong bối cảnh văn hóa hội tụ;… là nội dung quan trọng tại Hội thảo khoa học quốc tế ICCE 2024 do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Báo Kinh tế & Đô thị cùng các đối tác trong và ngoài nước tổ chức.
Đa dạng nội dung nghiên cứu về liên văn hóa
Khái quát về triết học liên văn hóa; thúc đẩy giáo dục liên văn hóa thông qua việc chuẩn bị cho giáo viên về năng lực đa văn hóa; giải quyết căng thẳng giữa bình đẳng và đa dạng trong giáo dục đa văn hóa theo Công ước quốc tế (UNESCO) chống phân biệt đối xử trong giáo dục; tính đa văn hóa và việc giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam… là những chủ đề được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 (ICCE 2024) với chủ đề “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập”.
Các đại biểu, khách mời trong nước, quốc tế cùng đông đảo học giả, chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ và tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho những thách thức mà giáo dục đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập ngày nay.
Tham luận về vấn đề “Truyền thông về văn hoá Hà Nội trong môi trường truyền thông số”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ 2 nội dung: văn hoá hội tụ trong truyền thông hội tụ và những giải pháp để nâng cao hiệu quả truyền thông văn hoá Hà Nội.
Theo đó, trong bối cảnh công nghệ truyền thông phát triển vũ bão như hiện nay, văn hóa hội tụ là một loại hình văn hóa mới đang phát triển. Truyền thông văn hóa đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa đến cộng đồng. Thực tế cho thấy, truyền thông văn hóa giúp bảo tồn và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của một dân tộc, đặc biệt là những di sản phi vật thể. Truyền thông văn hóa cũng là công cụ giúp xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền; giúp kết nối các thế hệ, các cộng đồng và các nhóm xã hội khác nhau thông qua việc chia sẻ các giá trị văn hóa chung…
Để nâng cao hiệu quả truyền thông văn hóa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề xuất 4 giải pháp, đó là: tăng cường truyền thông về di sản văn hóa, lịch sử và ẩm thực của Thủ đô; sử dụng công nghệ số trong truyền thông văn hóa và phát triển không gian văn hóa, nghệ thuật công cộng; phát triển nội dung truyền thông văn hóa đa dạng, hình thức phong phú sáng tạo; đa dạng hóa hình thức truyền thông thông qua các hội thảo, tọa đàm và tăng cường hợp tác truyền thông quốc tế.
“Việc tiếp tục phát huy truyền thông về văn hóa Hà Nội trong môi trường truyền thông số là cần thiết để bảo tồn và lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời góp phần phát triển toàn diện về du lịch, kinh tế và bản sắc địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế – thực hiện mục tiêu khát vọng đưa Hà Nội phát triển nhanh, mạnh và bền vững”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Chọn chủ đề “Giao tiếp liên văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam”, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Chính trị khu vực I lý giải: trong thời đại hội nhập quốc tế, giao tiếp liên văn hóa là một hoạt động tất yếu phải diễn ra và chìa khóa mở cánh cửa thành công trong quá trình giao tiếp là sự thấu hiểu văn hóa của nhau. Khi đã có sự chuẩn bị về kiến thức và tiếp thu được văn hóa của đối phương, ta có thể tránh đươc những tình huống giao tiếp không phù hợp, thậm chí là xung đột không mong muốn.
Trong khuôn khổ Hội thảo, hơn 300 đại biểu đại diện 9 đơn vị đồng tổ chức, khách mời trong nước, quốc tế cùng đông đảo học giả, chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên đã thảo luận nhiều chủ đề; cùng nhau chia sẻ và tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho những thách thức mà giáo dục đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập ngày nay.
Gợi mở nhiều ý tưởng mới cho các nhà nghiên cứu
Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 (ICCE 2024) được coi là diễn đàn ý nghĩa của các nhà khoa học yêu văn hóa và giáo dục.
Các chủ đề thú vị về triết học, luật pháp, tình hình phát triển về văn hóa nói chung, đặc biệt ở các quốc gia: Pháp, Nhật Bản, Thái Lan… đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của học giả. Ngoài những báo cáo được trình bày, ở nhiều vấn đề, câu hỏi đã được đặt ra và thảo luận sôi nổi, gợi mở nhiều ý tưởng mới cho các nhà nghiên cứu trong tương lai.
Ngoài phiên toàn thể, trong các phiên chuyên đề, có tổng số 45 tác giả, nhóm tác giả trình bày tham luận tại 6 tiểu ban theo các chủ đề, gồm những vấn đề chung về liên văn hóa, giáo dục, các phạm trù liên văn hóa (liên văn hóa giáo dục trong môi trường đại học, giáo dục giá trị liên văn hóa trong môi trường giáo dục phổ thông, giáo dục văn hóa và vấn đề chính trị, vấn đề liên văn hóa trong văn học nghệ thuật…).
Dù ở những góc nhìn và chủ đề khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đều đi đến một điểm chung: liên văn hóa nhằm mục đích thúc đẩy giao tiếp giữa các nền văn hóa khác nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập của mỗi dân tộc vào một thế giới chung. Giáo dục liên văn hoá là một nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tin tưởng, qua hội thảo lần này, nhiều giá trị liên văn hóa sẽ tiếp tục được phát huy trong công tác giáo dục của các nhà trường cũng như của xã hội; để từ đó các giá trị văn hóa được trường tồn và thực hiện đúng sứ mệnh.
Thành công của hội thảo ICCE 2024 không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu về chủ đề Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập mà còn mở ra nhiều vấn đề gay cấn để tiếp tục tranh biện về phạm trù liên văn hoá trong những điều kiện mới đầy thách thức.
Phát biểu kết luận, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, học giả, khách mời trong và ngoài nước đã tham dự và có nhiều đóng góp tích cực cho hội thảo.
Với tư cách là đơn vị chủ trì ICCE 2024, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có truyền thống 65 năm nhưng mới lên đại học được tròn 10 năm. Nhà trường luôn mong muốn có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc để góp phần đưa chất lượng giáo dục của trường ngày một nâng cao, từ đó khẳng định vị thế và có những bước tiến vững chắc trong thời gian tới”.
Tại Hội thảo, các đơn vị đã thống nhất chuyển giao cờ đăng cai tổ chức hội thảo lần thứ 6 năm 2025 cho Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-gia-tri-lien-van-hoa-trong-xu-huong-hoi-nhap-toan-cau.html