Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1228/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Bảo quản, Tu bổ, Phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch có diện tích là 27,47ha, bao gồm: Khu vực bảo vệ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ), gồm: 35 di tích, địa điểm di tích trên địa bàn 4 xã: Kiên Đài, Kim Bình, Linh Phú và Vinh Quang thuộc huyện Chiêm Hoá, diện tích là 15,02 ha.
Nhà hội trường – nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. (Nguồn: VGP) |
Khu vực cảnh quan thiên nhiên và bản làng của đồng bào dân tộc bao quanh các di tích, là bộ phận gắn liền với căn cứ cách mạng cần được bảo tồn, giữ gìn, diện tích là 12,45 ha.
Quy hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn; góp phần hình thành điểm tham quan về nguồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau, điểm du lịch văn hóa-lịch sử đặc sắc gắn kết với hệ thống Di tích cách mạng của tỉnh Tuyên Quang và vùng chiến khu Việt Bắc; làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan và phát triển hệ sinh thái mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng căn cứ Cách mạng Chiêm Hóa nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Về phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đối với cụm di tích thuộc Khu vực tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, xã Kim Bình, sẽ thực hiện tu bổ, chống xuống cấp các hạng mục công trình: Cổng chào, hội trường, nhà ở của Bác Hồ, đài tưởng niệm, hầm, hào giao liên… theo tư liệu lịch sử; tu bổ hệ thống bia biển và chỉnh trang sân vườn và đường dạo trong khu vực bảo vệ di tích; bảo tồn, tôn tạo hệ thống cây xanh tự nhiên, cây lưu niệm đã có; quy hoạch bổ sung các loại cây xanh phù hợp tạo không gian xanh bao quanh di tích bằng các loài cây bản địa.
Đối với các điểm di tích đơn lẻ (8 điểm ở xã Kim Bình, 24 điểm ở xã Kiên Đài, 1 điểm ở xã Linh Phú và 1 điểm xã Vinh Quang): Tu bổ, tôn tạo hệ thống bia di tích (hiện có và bổ sung), tu bổ sân đường; tôn tạo hàng rào khuôn viên di tích.
Đối với di tích kiến nghị xếp hạng bổ sung trên địa bàn xã Kim Bình (gồm: Trạm gác đèo Nga, Trạm gác đèo Nàng, Địa điểm thành lập báo Nhân Dân): Bảo quản hệ thống cây xanh hiện có; thực hiện cắm mốc giới bảo vệ di tích (theo quy hoạch được phê duyệt); tu bổ, tôn tạo hệ thống bia di tích, sân đường và phục hồi hệ sinh thái rừng bao quanh di tích nhằm tạo không gian cảnh quan núi rừng xưa.
Phát triển du lịch bền vững
Theo Quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng: tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa sẵn có của khu vực gồm:
Du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn: Xây dựng các tour du lịch tham quan nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử cách mạng tại Khu Di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, kết nối với các Di tích lịch sử-cách mạng thuộc vùng Chiến khu cách mạng An toàn khu (ATK) liên tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn (ATK Tân Trào-ATK Định Hóa-ATK Chợ Đồn) và các Di tích lịch sử cách mạng khác trong khu vực.
Du lịch sinh thái: Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái địa phương trong đó, trọng tâm là khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang (Na Hang), hồ thủy điện Chiêm Hóa và hệ thống sinh thái nông nghiệp gắn với các làng nghề, các làng văn hóa dân tộc thiểu số.
Du lịch nghỉ dưỡng dựa trên việc khai khai thác tiềm năng du lịch về điều kiện khí hậu và bản sắc văn hóa dân tộc tại các làng bản (homestay).
Du lịch văn hóa: Tổ chức lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa gắn với di tích và di sản văn hóa của đồng bào địa phương; tái hiện đời sống sinh hoạt của bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến.
Du lịch cộng đồng: Tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, tìm hiểu phong tục tập quán, âm nhạc, ẩm thực… của đồng bào dân tộc. Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình.
Du khách tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Nguồn: TTXVN) |
Giải pháp đầu tư và huy động vốn
Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ về giải pháp đầu tư, huy động vốn. Theo đó, lập danh mục các dự án đầu tư thành phần, phân loại và xác định giai đoạn thực hiện, nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở để huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, vốn vay…
Trong đó, các dự án liên quan đến các hạng mục gốc cấu thành di tích, hệ thống công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các hạng mục, công trình phục vụ quảng bá phát huy giá trị di tích sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Các dự án du lịch, dịch vụ, điểm khai thác dịch vụ do các chủ đầu tư thứ cấp đầu tư dưới sự quản lý theo phân cấp của địa phương.
Đồng thời, Quyết định cũng xem xét, ưu tiên hỗ trợ và bố trí vốn hằng năm từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Tuyên Quang để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gốc và các hạng mục công trình có ý nghĩa quan trọng; xây dựng phương án huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.