STO – Năm 2019, Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Nghinh Ông là một tín ngưỡng dân gian được phổ biến, trao truyền qua các thế hệ ngư dân miền biển. Lễ hội có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ nhiều năm qua, huyện Trần Đề đã bảo tồn các giá trị nhân văn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gắn kết cộng đồng, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư và phát triển kinh tế biển.
Những ngày đầu tháng 5, cảng cá Trần Đề sôi động hơn khi lần lượt từng đoàn tàu đánh bắt xa bờ trở về bến cảng. Tôm cá, hải sản đầy ắp từ khoang tàu được các đội công nhân bốc xếp chuyển lên cầu cảng để đưa đến nơi chế biến, tiêu thụ. Dù rất bận rộn chỉ huy ngư phủ, công nhân bốc xếp vận chuyển thành quả từ chuyến biển trở về, ông Nguyễn Hoàng Tâm – chủ tàu cá ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề chia sẻ: “Đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi có tổng cộng 3 chiếc. Chuyến đi biển lần này thu hoạch được hơn 30 tấn hải sản các loại, lợi nhuận cũng khá”. Như trở thành thông lệ hàng năm, đội tàu của gia đình ông Nguyễn Hoàng Tâm cũng như của những ngư dân khác ở huyện Trần Đề lần lượt trở về đất liền để kịp tham gia Lễ hội Nghinh Ông được địa phương tổ chức trong các ngày 10, 11, 12/5/2023.
Tàu cá của ngư dân Trần Đề diễu hành tại Lễ hội Nghinh Ông tổ chức trong những năm đầu mới tái lập tỉnh Sóc Trăng.
Ông Trần Huy Hoàng – Trưởng vạn Ban Trị sự Hội Lăng Ông Nam Hải cho biết, lễ Nghinh Ông có từ năm 1955 tại Bãi Giá. Thời đấy, người dân phát hiện 1 xác cá Ông thật to trôi dạt vào nên đã vớt xác vào bờ lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Sau này, ngư dân làm ăn phát đạt nhanh chóng và xây dựng Lăng Ông Nam Hải, dời hài cốt cá Ông về địa điểm hiện tại ở thị trấn Trần Đề. Hàng năm, cứ đến ngày 21/3 (âm lịch), ngư dân huyện Trần Đề tổ chức lễ Nghinh Ông với ý nghĩa cầu cho biển lặng, gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt được nhiều cá tôm và đây cũng là thời điểm để ngư dân Trần Đề bắt đầu một mùa biển mới.
Đồng chí Dương Thanh Ngân – Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề cho biết: “Hầu hết tàu cá của huyện Trần Đề đều tập trung ở thị trấn. Hiện tại, thị trấn có tổng cộng 410 tàu cá, trong đó có 334 tàu đánh bắt xa bờ (42 tàu hậu cần) và 76 tàu đánh bắt gần bờ. 100% tàu đánh bắt của Trần Đề đều được gắn thiết bị giám sát hành trình. Ngư dân thường xuyên được địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và luôn chấp hành nghiêm việc đánh bắt hải sản đúng luật định. Năm 2022, ngư dân thị trấn Trần Đề đánh bắt được 40.290 tấn hải sản, đạt 101,6% kế hoạch. Những tháng đầu năm 2023, ngư dân tiếp tục bội thu, những chuyến đi biển đều đầy ắp cá tôm”.
Đồng chí Dương Thanh Ngân phấn khởi cho biết thêm, UBND thị trấn Trần Đề kết hợp với Hội Lăng Ông Nam Hải, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có kế hoạch chu đáo để tổ chức Lễ hội Nghinh Ông theo nghi thức, tín ngưỡng dân gian của bà con ngư dân nơi đây. Lễ hội Nghinh Ông năm nay đông vui hơn vì sau các năm bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, kinh tế được phục hồi, ngư dân đi biển thu hoạch khấm khá hơn nên số lượng tàu cá đăng ký tham dự lễ nhiều hơn và du khách đến tham quan lễ hội đông đảo hơn.
Công nhân cảng cá bốc xếp các loại hải sản từ tàu lên bến cảng sau chuyến đi biển bội thu.
Từ khi thành lập huyện đến nay, Trần Đề đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, huyện đã huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá. Đến nay, huyện Trần Đề đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cảng cá ở thị trấn Trần Đề, bến cá Mỏ Ó, khu tránh trú tàu thuyền ở thị trấn Trần Đề, Bến tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo, quy hoạch và kêu gọi đầu tư Khu trung tâm thương mại kinh tế biển, quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề… Đặc biệt là trong tiến trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền luôn đồng hành cùng ngư dân bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua lễ hội còn tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, liên kết để phát triển, nâng tầm di sản quốc gia một cách hiệu quả, phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển bền vững.
MINH THƯ