Đặc biệt, năm 2023 là dịp kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 – 2023) và 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2003 – 2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Việc khai thác du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị từ di sản văn hóa, nhất là sau khi vinh danh đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương.
Phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế
Lịch sử đã đặt Huế vào vị trí trung tâm văn hóa – chính trị của mảnh đất xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn (1558 – 1777), triều Tây Sơn (1778 – 1802) rồi kinh đô của cả nước thời các vua Nguyễn (1802- 1945). Qua thời gian, với sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ đã kết tinh trong lòng Cố đô Huế một kho tàng di sản đồ sộ. Trong đó bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh:
Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam – Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Sự kiện không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới mà còn tôn vinh giá trị của di sản văn hóa nước ta lên tầm cao mới; mở ra triển vọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên đặc biệt này.
Thừa Thiên – Huế luôn khẳng định giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng để phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội, để Cố đô Huế phát triển nhanh, bền vững từ thế mạnh và đặc trưng riêng có.
Do đó, phần lớn các di tích chính trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trục đường thành phố Huế, trong kinh thành, đường đến một số điểm di tích. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, tôn tạo hai bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào… đã từng bước trả lại giá trị cảnh quan vốn có của Cố đô Huế. Việc sưu tầm cổ vật triều Nguyễn cũng được quan tâm. Từ năm 2002 đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tiếp nhận gần 350 hiện vật từ các cá nhân trong và ngoài nước, làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng và phục vụ công tác trưng bày, tăng sự hấp dẫn…
Cho đến nay, công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế và khu vực miền Trung
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trải qua 20 năm với 10 kỳ Festival Huế và 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, nay có thêm Festival bốn mùa, đã khẳng định mô hình Festival được định hình, trở thành một Festival được chú ý trong hệ thống Festival trên thế giới. Các kỳ Festival tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Đồng thời, Huế cũng sở hữu nhiều danh hiệu như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”…
Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên – Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4,817 triệu lượt (2019); doanh thu từ 154 tỷ đồng (1990) đã tăng lên 12,000 tỷ đồng (2019); đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (1995) đã tăng lên trên 12% (2019) . Trong đó điểm đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhờ vậy, Cố đô Huế đã bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa của tổ tiên, di sản văn hóa Cố đô Huế đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để tỉnh phát triển bền vững.
Nhiều năm liền, Thừa Thiên -Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện. Trong tháng 3/2023, báo The Travel của Canada vừa bình chọn Huế là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam mà du khách cần đến khám phá và trải nghiệm.
Nhã nhạc – vốn quý, tài sản của dân tộc
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ngày 7.11.2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cùng với 27 kiệt tác khác. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị hồ sơ.
Năm 2004, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố thuộc Cộng hòa Pháp và thủ đô Bruxelles (Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.
Sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ các tài liệu liên quan đã được thực hiện và triển khai một cách bài bản.
Công tác sưu tầm, lưu trữ các hồ sơ khoa học, các tài liệu liên quan đến Nhã nhạc được thực hiện nghiêm túc, xây dựng thành hồ sơ khoa học. Công tác đào tạo nhạc công Nhã nhạc trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn được chú trọng. Các nghệ nhân có tên tuổi đã được mời để truyền dạy kỹ năng trình diễn và trao truyền các bí kíp nghề nghiệp. Với mục đích nâng cao nhận thức trong công chúng về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, công tác biểu diễn và quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản Nhã nhạc cung đình Huế cũng được chú trọng.
Bên cạnh đó, nhiều đợt biểu diễn Nhã nhạc đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhân dịp các sự kiện lớn; tham gia các Festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục Nhã nhạc cũng góp phần làm nên thành công của các kỳ Festival Huế.
Các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh cũng được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho học sinh trực tiếp tham gia các buổi tập huấn về Nhã nhạc và các loại hình diễn xướng cung đình khác.
Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc được tích cực tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước; trong đó có xây dựng các phim tài liệu, phim phóng sự ngắn để phát trên sóng truyền hình. Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành Bộ tem Nhã nhạc cung đình Huế, gồm 3 mẫu và một tem khối giới thiệu tổng quan về Nhã nhạc cung đình.
Hiện tại, việc trình diễn Nhã nhạc Huế cho khách du lịch đã được triển khai khá đa dạng ở ngoài trời, trong cung điện, đền miếu và Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Như vậy, du khách có thể tiếp cận với Nhã nhạc ở những cấp độ khác nhau. Trong quá trình tham quan hoàng cung, khách có thể dừng lại vài ba phút ở Ngọ Môn hay Thế Miếu để xem cho biết Nhã nhạc là gì. Còn nếu muốn biết sâu hơn, du khách có thể vào xem phần biểu diễn kéo dài khoảng 30 phút trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường…
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nêu rõ: Có thể thấy, sau 20 năm, việc bảo tồn, phát huy Nhã nhạc tại Thừa Thiên – Huế đã thu được thành quả rất đáng tự hào. Không chỉ là vốn quý, tài sản của dân tộc, đây còn là minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn sót lại.
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình cùng với phát huy giá trị văn hóa Huế đang thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển bền vững của Thừa Thiên – Huế. Qua đó, Thừa Thiên – Huế góp phần cùng cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm chủ lực, mang tính đại diện và thương hiệu cao.
Theo TTXVN