Kể từ khi Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (DSVH) thế giới vào tháng 12-1999, TP Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch, dịch vụ phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ rất cần được các cấp, các ngành chung tay giải quyết.
Một góc thành phố Hội An (Quảng Nam). Ảnh: NGUYÊN HẢI |
Gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản
Hội An – thành phố trẻ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn là vùng đất với kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp thường xuyên qua các thế hệ. Khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm hàng trăm ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, dân dụng nằm trên các tuyến phố, có diện tích khoảng 1,2 km2; hiện có hơn hai nghìn hộ dân đang sinh sống, làm việc. Theo số liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn DSVH Hội An, đến nay, Hội An có đến hơn 1.400 di tích đã được kiểm kê phân loại; trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.134 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích; trong đó có chín di tích được xếp hạng cấp quốc gia và năm di tích cấp tỉnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ nói riêng, toàn bộ hệ thống di tích, DSVH ở Hội An nói chung luôn được cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng người dân chung tay thực hiện. Chủ trương của thành phố là công tác bảo tồn Khu phố cổ Hội An phải gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên như sông nước, biển – bãi biển, đảo và các cồn bãi trên sông; gắn với bảo tồn các làng quê sinh thái, nghề – làng nghề truyền thống. Đặc biệt, phải gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể; với mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ và phải đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Mục tiêu lâu dài của chính quyền địa phương là xây dựng, phát triển Hội An thành “Thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch”.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND thành phố Hội An đã sớm chủ động ban hành một số quy chế được cộng đồng ủng hộ, thực hiện; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả bộ máy chính quyền và người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn và sử dụng, phát huy có hiệu quả quần thể DSVH của nhân loại. Thời gian qua, TP Hội An đã thành lập đội ngũ cộng tác viên với hơn 30 người (mỗi người được hỗ trợ kinh phí 120.000 đồng/tháng, từ nguồn thu vé tham quan); đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người bảo vệ di tích thuộc sở hữu cộng đồng, Nhà nước (với mức 120.000 đến 200.000 đồng/tháng). Đến nay, tất cả các di tích đều được lập hồ sơ pháp lý nhằm phục vụ việc quản lý, sửa chữa, tu bổ, sử dụng, phát huy giá trị di tích. Ngoài các di tích được cấp bằng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, số di tích còn lại đều được cấp giấy chứng nhận thuộc Danh mục bảo vệ của thành phố; lập hồ sơ lý lịch di tích; hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, trích lục bản đồ; dựng bia giới thiệu và cắm mốc khu vực bảo vệ. Các di tích thuộc sở hữu Nhà nước và cộng đồng đều có tổ quản lý. Công tác tu bổ, phục hồi di tích và phòng, chống thiên tai, cháy nổ trong khu phố cổ được đặc biệt quan tâm. Từ nguồn thu bán vé tham quan cùng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động trong nhân dân và tài trợ của các tổ chức quốc tế, thành phố đã thường xuyên quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, nông thôn, nhất là tu bổ các di tích. Từ năm 2008 đến nay, đã thực hiện tu bổ 424 công trình với tổng số tiền hơn 152 tỷ đồng. Đáng chú ý, qua thực hiện dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ” của UBND tỉnh Quảng Nam, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và đóng góp của người dân (các chủ di tích – nhà ở), từ năm 2005 đến nay, đã có gần 100 di tích – nhà ở quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An được sửa chữa. Nhờ đó, hệ thống nhà cổ này đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích. Bên cạnh công tác tôn tạo và bảo tồn di tích, TP Hội An đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, các khu chợ đêm… gắn liền với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài.
Nêu cao vai trò của cộng đồng
Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn DSVH Hội An Nguyễn Chí Trung cho rằng, việc phát huy các giá trị di sản tại Hội An không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương, mà còn là động lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hội An cũng đối diện những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị, nhất là tác động của tốc độ đô thị hóa và tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia, TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thật sự trở thành chủ nhân của di sản; đồng thời, cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản; tiếp tục triển khai các phương án nhằm gắn khai thác với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An. Trong đó, cần đầu tư cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng và các tiện ích công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, trung tâm thông tin du lịch; tổ chức rà soát, chấn chỉnh nạn cướp giật, chèo kéo khách, gây ô nhiễm môi trường và tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thừa nhận, hiện nay, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH thế giới. Cái hồn của Hội An chính là khu phố cổ, do đó không thể chạy theo phát triển du lịch, dịch vụ bằng mọi giá để rồi đánh mất không gian của phố cổ cũng như các giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể trong quần thể này. Tuy nhiên, để giữ được cả một quần thể di tích là thách thức rất lớn đối với chính quyền địa phương. Do vậy, UBND tỉnh lưu ý, các cơ quan liên quan của tỉnh, chính quyền TP Hội An và các đơn vị du lịch phải có tầm nhìn dài hạn, trong quá trình phát triển kinh tế không làm tổn hại, gây biến dạng di tích; phải gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị DSVH thế giới. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu và có kế hoạch giảm tải về áp lực du khách lên khu phố cổ; mật độ du khách đến tham quan cần được phân bổ hợp lý cả ban ngày lẫn ban đêm. Các hoạt động diễn ra trong khu phố cổ cần phù hợp theo từng mùa và thời gian nhất định trong ngày. Thứ hai là, hoạt động buôn bán hàng hóa cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và bố trí lại hợp lý hơn, ngay cả biển quảng cáo hay hình thức trưng bày. Việc cho các phương tiện giao thông đi vào khu phố cổ cần được tính toán, hạn chế nhằm giảm áp lực và bảo đảm an toàn. Sắp tới, TP Hội An cần nghiên cứu và có biện pháp chấn chỉnh tình trạng người dân từ nơi khác đến mua nhà trong phố cổ rồi bỏ hoang hoặc kinh doanh các mặt hàng không phù hợp văn hóa nơi đây. Các di tích hiện nay đang xuống cấp cũng cần tiếp tục đầu tư trùng tu, vấn đề về ô nhiễm môi trường cần được khắc phục sớm. Về lâu dài, TP Hội An cần có kế hoạch mở rộng không gian hoạt động du lịch, kéo du khách ra bên ngoài nhằm giảm áp lực lên khu phố cổ…
Có thể thấy, trong suốt thời gian qua, chính quyền và người dân Hội An đã có nhiều nỗ lực trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An. Song việc quản lý một đô thị di sản như Hội An còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh cần được tháo gỡ. Nếu chúng ta quản lý một đô thị cổ, đô thị di sản như quản lý một đô thị hiện đại thì hoàn toàn không phù hợp. Những cơ chế về hành chính, văn hóa, quản lý để phát triển khu đô thị này còn nhiều ý kiến khác nhau, cho nên cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp bài bản; và phải đặt trong cơ chế đặc thù từ công tác quản lý, bảo tồn đến khai thác, phát huy các giá trị di sản để đáp ứng được yêu cầu phát triển chung trong tình hình mới.
Theo thống kê, năm 1999, lượng khách tham quan Hội An khoảng 100 nghìn lượt thì đến nay, mỗi năm, thành phố đón hơn 4,5 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú. Hiện, toàn thành phố có 621 cơ sở lưu trú với 10 nghìn phòng, một ngày có thể đón hơn 21 nghìn khách. Du lịch phát triển đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ – du lịch – thương mại chiếm hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Đời sống người dân luôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm…