Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Trần Phú là nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ. Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), thế hệ hôm nay tự hào, biết ơn và mãi khắc ghi bài học lớn, tấm gương hy sinh, đồng thời phát huy di sản tinh thần của vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc cách mạng mới, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, hạnh phúc, phồn vinh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan sa bàn khu di tích Thành An Thổ. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Quê hương Tuy An tự hào là nơi sinh ra một người con kiệt xuất của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm gần đây, xã An Dân nói riêng và huyện Tuy An nói chung đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ trên các lĩnh vực KT-XH, đặc biệt là trong phát triển du lịch và hướng đến xây dựng huyện trở thành đô thị biển - di sản - sinh thái.
Thành An Thổ - nơi hun đúc khí tiết người chiến sĩ cộng sản Trần Phú
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại làng An Thổ, tổng An Sơn, phủ Tuy An (trước năm 1898, là làng Long Uyên, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân; nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An).
Cha của đồng chí Trần Phú là giáo thụ Trần Văn Phổ, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1897, ông Phổ đỗ Giải nguyên, nhận lệnh triều đình Huế vào giữ chức Giáo thụ Phủ Tuy An (năm 1901). Ông Trần Văn Phổ đã đưa cả gia đình vào Tuy An sinh sống. Chính tại nơi này, vào ngày 1/5/1904, một ngôi sao sáng của bầu trời cách mạng Việt Nam - đồng chí Trần Phú cất tiếng khóc chào đời và trải qua những năm tháng đầu đời.
Năm 1908, cụ Trần Văn Phổ phản đối chính quyền thực dân, phong kiến bức ép người dân và thẳng tay đàn áp những người yêu nước, ông đã quyên sinh để tỏ thái độ. Năm 2010, thân mẫu của đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát cũng qua đời, khi ông mới được 6 tuổi. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, được sự giúp đỡ của bà con, họ hàng, Trần Phú vẫn được đi học.
Giữa năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy.
Đồng chí Trần Phú được cử sang học Trường đại học Phương Đông (Liên Xô). Đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tham gia hoạt động trong Ban Chấp hành lâm thời của Đảng. Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Tháng 10/1930, thời điểm mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo, thì ở Phú Yên (ngày 5/10/1930), chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên cũng ra đời tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân. Từ những hạt giống đỏ ban đầu đó, sức sống cách mạng lan tỏa nhanh chóng trong toàn tỉnh, đến tháng 10/1931, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư đã thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Mặc cho kẻ thù dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt, tra tấn dã man, đồng chí Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Đảng, bình tĩnh, hiên ngang nhận mình là Tổng Bíthư, nhưng không hềđểlộbímật của Đảng. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) khi mới 27 tuổi. Trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Lần giở lại lịch sử vùng đất, nơi sinh và những năm đầu đời của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tuy An giữ vai trò thủ phủ của tỉnh Phú Yên trong 270 năm (từnăm 1629-1899), trong đó thành An Thổ (xã An Dân) là trung tâm tỉnh lỵ. An Dân là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Trần Phú - nơi sơn thủy hữu tình, địa linh nhân kiệt và bề dày truyền thống lịch sử đã hun đúc, sản sinh, nuôi dưỡng và ươm mầm khí tiết của đồng chí Trần Phú, trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuổi trẻ huyện Tuy An tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cách mạng và noi gương tinh thần cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Phát triển Tuy An thành đô thị biển - di sản - sinh thái
Từnăm 1611, khi Phú Yên có tên trên bản đồ đất nước, Tuy An là vùng đất mà tiền nhân đã xây dựng, hình thành làng, xóm ấp trong tiến trình mở mang bờ cõi về phương Nam. Vùng đất được xem là miền di sản của tỉnh với 9 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng quốc gia; trong đó gành Đá Đĩa là di tích quốc gia đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên, địa chất kỳ thú, độc đáo ở Việt Nam.
Và cũng trong số di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia nơi đây, di tích khảo cổ Thành An Thổ chính là nơi chào đời của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bí thư Huyện ủy Tuy An Ngô Đình Thiện cho biết, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tuy An luôn tự hào là nơi sinh đồng chí Trần Phú. “Tinh thần bất diệt của lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú luôn thôi thúc cán bộ và Nhân dân huyện nhà nhắc nhở mình phải phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xây dựng huyện Tuy An trở thành huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng và phát triển đô thị vươn tầm thị xã; đồng thời xây dựng Tuy An trở thành đô thị biển - di sản - sinh thái”, ông Ngô Đình Thiện nói.
Với quyết tâm đó, bức tranh phát triển KT-XH của huyện Tuy An những năm qua có nhiều khởi sắc, đặc biệt là năm 2024, huyện thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu so với kế hoạch. Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, được đầu tư phát triển. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số không ngừng phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được đầu tư và đạt nhiều kết quả quan trọng; QP-AN được củng cố vững chắc. Đời sống người dân được cải thiện, nâng lên một bước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, tiến bộ. Huyện Tuy An được xếp loại chất lượng hoạt động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Những năm qua, trong sự phát triển chung của cả huyện, An Dân có nhiều chuyển biến rõ nét. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, tiếp tục tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025, xây dựng Tuy An trở thành thị xã, ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Theo quy hoạch, TX Tuy An sẽ có 15 đơn vị hành chính, gồm 9 phường nội thị và 6 xã ngoại thị. Tuy An sẽ xây dựng thị xã bám sát quy hoạch phát triển theo 5 phân vùng: Vùng trung tâm tổng hợp; vùng di sản văn hóa, lịch sử, đầu mối dịch vụ cảng; vùng ven biển, di sản thắng cảnh tự nhiên; vùng thương mại, dịch vụ đầu mối cửa ngõ và vùng sinh thái nông lâm nghiệp. Là quê hương của nhiều di tích văn hóa, lịch sử cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo là thế mạnh, động lực để Tuy An xây dựng và phát triển theo định hướng đô thị biển - di sản - sinh thái trong tương lai không xa…
Tinh thần bất diệt của lời hiệu triệu: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú luôn thôi thúc cán bộ và Nhân dân huyện nhà nhắc nhở mình phải phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xây dựng huyện Tuy An trở thành huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng và phát triển đô thị vươn tầm thị xã; đồng thời xây dựng Tuy An trở thành đô thị biển - di sản - sinh thái.
Ông Ngô Đình Thiện, Bí thư Huyện ủy Tuy An |
TRẦN QUỚI
Nguồn: https://baophuyen.vn/76/325527/phat-huy-di-san-tinh-than-cua-tong-bi-thu-tran-phu-xay-dung-que-huong-tuy-an-giau-dep.html
Bình luận (0)