Nhà chức trách Kenya cho biết số người chết do thực hành việc nhịn ăn để “gặp Chúa Jesus” hiện đã tăng lên 303 sau khi 19 thi thể được phát hiện ở khu rừng Shakahola gần thị trấn Malindi.
Lực lượng chức năng đưa một thi thể ra khỏi khu rừng ở Shakahola, gần thị trấn ven biển Malindi, Kenya. (Nguồn: Associated Press)
Ủy viên khu vực duyên hải Kenya Rhoda Onyancha ngày 13/6 xác nhận số người chết trong vụ việc liên quan đến một giáo phái ở Kenya thực hành việc nhịn ăn để “gặp Chúa Jesus” đã vượt qua con số 300 sau khi 19 thi thể mới được tìm thấy cùng ngày.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn lời ông Onyancha khẳng định: “Số người chết hiện đã tăng lên 303 sau khi 19 thi thể được khai quật.”
Cảnh sát Kenya cho rằng hầu hết các thi thể được tìm thấy trong khu rừng Shakahola gần thị trấn Malindi bên bờ Ấn Độ Dương thuộc về những người theo Paul Nthenge Mackenzie – một tài xế taxi trở thành nhà truyền đạo, đang bị cảnh sát giam giữ kể từ ngày 14/4.
Ông ta sẽ phải đối mặt với cáo buộc “khủng bố” trong vụ án làm rung chuyển quốc gia Đông Phi.
Người sáng lập 50 tuổi của Nhà thờ Tin lành Quốc tế (Good News International) đã ra đầu thú hôm 14/4.
Theo nhà nghiên cứu bệnh học Johansen Oduor, trong khi đói khát dường như là nguyên nhân chính gây ra cái chết, một số nạn nhân – bao gồm cả trẻ em – đã bị bóp cổ, đánh đập hoặc ngạt thở.
Những câu hỏi đã được đặt ra về cách thức Mackenzie đã xoay sở để trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật mặc dù có tiền sử liên quan đến chủ nghĩa cực đoan và các vụ án trước đó.
Paul Mackenzie Nthenge từng bị bắt vào năm 2017 với cáo buộc “cực đoan hóa” vì ủng hộ nhiều trẻ em không được đến trường, với lập luận rằng giáo dục không được công nhận trong Kinh thánh.
Câu chuyện kinh hoàng đã làm cho người dân Kenya choáng váng và khiến Tổng thống William Ruto ra lệnh thành lập ủy ban điều tra về những cái chết và lực lượng đặc nhiệm để đánh giá hệ thống quy định quản lý các tổ chức tôn giáo ở quốc gia Đông Phi.
Vụ “thảm sát Shakahola” này đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc kiểm soát các hoạt động tín ngưỡng ở Kenya, một quốc gia chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa, nơi “mục sư,” “nhà thờ” và các phong trào tôn giáo khác trở thành chủ đề hàng đầu.
Những nỗ lực trước đây về quy định hoạt động tôn giáo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là nhân danh sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.
Một mục sư khác bị buộc tội có liên hệ với Mackenzie và các thi thể được tìm thấy trong rừng đã được phép tại ngoại. Ezekiel Odero, một nhà truyền giáo nổi tiếng và giàu có, đang bị điều tra về một loạt tội danh bao gồm giết người, hỗ trợ tự sát, bắt cóc, cực đoan hóa, tội ác chống lại loài người, tàn ác với trẻ em, lừa đảo và rửa tiền./.