TP HCMBệnh nhân 39 tuổi phát hiện polyp đại tràng 5 cm đã tiến triển thành ung thư ở giai đoạn sớm nên được phẫu thuật triệt căn, có thể chữa khỏi.
Chị Nguyễn Thị Bạch Dương (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ, thường xuyên đi tiêu ra máu, kèm tiêu chảy hai năm qua. Lúc đầu, triệu chứng này không thường xuyên, chị cứ nghĩ bị rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc về uống. Nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn. Cho đến khi, chị thấy bao tử nóng rát, ợ hơi, đi tiêu 7-8 lần một ngày mới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám vào giữa tháng 4.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái (Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa) cho nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính phát hiện bệnh nhân có polyp đại tràng khoảng 5 cm, chiếm hết lòng ruột. Trong quá trình nội soi do khối u sần sùi bít lòng ruột, dễ chảy máu nên ống soi không qua được. Kết quả giải phẫu bệnh u ác tính giai đoạn sớm (giai đoạn 0).
Polyp đại tràng là tổn thương nhỏ hình thành trên bề mặt lớp trong cùng của đại tràng, gọi là lớp niêm mạc. Thông thường, các polyp đại tràng đều lành tính. Tuy nhiên, nếu không can thiệp và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột, có thể dẫn đến ung thư đại tràng như trường hợp của chị Dương.
Bác sĩ Quốc Thái cho biết thêm, ca bệnh này ít gặp do polyp lớn và được phát hiện ác tính ở giai đoạn rất sớm. Khối u chưa có dấu hiệu lan rộng hay di căn, tuy nhiên, u bít hết lòng ruột không thể cắt qua nội soi tiêu hóa mà cần phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại trực tràng để triệt căn. So với mổ mở, phương pháp này có ưu thế hơn như vết sẹo nhỏ, phục hồi nhanh hơn.
Sau gần 2 giờ phẫu thuật, người bệnh phục hồi tốt, vết mổ nhanh lành, sức khỏe ổn định. Các triệu chứng trước đây như tiêu lỏng, tiêu máu… hết hẳn.
Bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đến tuổi nội soi tiêu hóa (thường từ 45 tuổi) để tầm soát ung thư. Hơn nữa, khi có triệu chứng bất thường, bệnh nhân không đi khám ngay mà để thời gian khá lâu nên phải phẫu thuật. Người bệnh cần tái khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi, đánh giá bệnh có tái phát hay không. Sau điều trị, chị Dương cho biết như trút được gánh nặng, lấy lại tinh thần, không còn lo lắng như khi lần đầu cầm kết quả chẩn đoán trên tay.
Bác sĩ Quốc Thái khuyến nghị, mọi người nên phòng ngừa bệnh từ sớm như có chế độ sống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước; tập thể dục đều đặn mỗi ngày; hạn chế ăn thịt đỏ; tránh lạm dụng rượu bia, nói không với thuốc lá. Người từ tuổi 45 tuổi nên tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Người có thành viên trong gia đình bị ung thư, độ tuổi tầm soát có thể sớm hơn. Người chưa đến tuổi tầm soát nhưng khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiêu ra máu… nên thăm khám sớm. Phát hiện sớm bệnh giúp điều trị hiệu quả, khả năng chữa khỏi cao.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.